Nữ sinh 20 tuổi vừa trải qua hai ca mổ cột sống thay đổi cuộc đời tại Bệnh viện Trưng Vương (TP HCM). Hiện cô sinh viên kinh tế có thể đi đứng thẳng người, tập vật lý trị liệu để hồi phục hoàn toàn.
Tuổi thơ của cô gái có gương mặt xinh xắn, khả ái là những tháng ngày ngược xuôi từ Nam chí Bắc, sang tận nước ngoài chạy chữa trong vô vọng.
Phụng sinh ra có một vết sẹo vùng thắt lưng, điều trị vẫn tiến triển ngày càng xấu. Lúc 3 tuổi cô được bác sĩ Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM mổ vi phẫu giãn da. Lớn lên, gia đình đưa con ra Hà Nội tìm giải pháp vẫn không có hy vọng. Năm 7 tuổi Phụng tiếp tục được mổ đặt túi giãn da nhưng kết quả không cải thiện nhiều. 14 tuổi, bác sĩ thông báo có thể phẫu thuật chỉnh cột sống nhưng tỷ lệ thành công chỉ 50-50, có nguy cơ bị liệt nên gia đình từ chối mổ.
“Tuổi dậy thì, tình trạng cong vẹo cột sống càng chuyển biến rõ”, mẹ của Phụng cho biết. Cô gái trở ra hai bệnh viện lớn tại Hà Nội vẫn không điều trị được. Gần đây cứ ngồi một lát là Phụng mỏi lưng phải nằm nghỉ nên gia đình lo lắng đưa sang Singapore. Bác sĩ tại đây kết luận cô bị thoát vị đĩa đệm cột sống, đưa ra phác đồ 3 đợt điều trị. Không tin tưởng vào kết luận bệnh, chi phí lại cao đến 2-3 tỷ đồng, Phụng trở về, tới phó giáo sư Võ Văn Thành, Chủ tịch Hội Cột sống TP HCM, cố vấn Đơn vị Cột sống Bệnh viện Trưng Vương.
Cột sống của Phụng bị cong vẹo 85 độ. |
Phó giáo sư Võ Văn Thành cho biết đây là trường hợp cong và vẹo cột sống do sẹo co rút hiếm gặp, là ca thứ bảy mà ông gặp trong hơn 40 năm phẫu thuật. Sẹo thắt lưng co rút làm cơ thể phát triển không đối xứng, không thăng bằng khiến tình trạng vẹo cột sống ngày càng nặng. Bệnh nhân trải qua 2 lần mổ để nắn chỉnh cột sống.
“Lần mổ đầu giúp giải phóng cột sống từ cong 85 độ xuống còn 50 độ. Sau đó 10 ngày các bác sĩ tiếp tục cuộc phẫu thuật kéo dài 8 giờ để nắn hoàn thiện”, bác sĩ Thành chia sẻ. Phần da nhô lên ở lưng đã xẹp. Phụng đang được tập luyện để trở lại sinh hoạt bình thường.
Theo bác sĩ Thành, vẹo cột sống có thể do bẩm sinh, không rõ nguyên nhân hoặc một số hội chứng khác. Trường hợp không rõ nguyên nhân, trẻ nên được phẫu thuật từ 14-15 tuổi. Càng lớn tuổi, mức độ càng nặng thì việc phẫu thuật sẽ càng khó khăn. Nếu không phẫu thuật, theo thời gian có thể gây suy hô hấp, rối loạn chức năng phổi nguy hiểm tính mạng.