Cách đây 5 năm, ông Ẩn bị nhồi máu cơ tim, được đặt nội khí quản. Hơn 4 tháng trước, người đàn ông 59 tuổi lại lên cơn đột quỵ não, tiếp tục phải đặt nội khí quản để qua cơn nguy kịch. Bác sĩ Chung Giang Đông, Khoa Lồng ngực Tim mạch, Bệnh viện Thống Nhất cho biết lần này bệnh nhân vào viện cấp cứu vì khó thở, bị hẹp cả 3 nhánh động mạch vành nuôi tim nên việc đặt nội khí quản khá khó khăn. Kết quả chụp cắt lớp xác định khí quản bệnh nhân hẹp đến hơn 90%.
Đoạn khí quản bị hẹp của bệnh nhân. Ảnh: T.P |
Bệnh nhân bị đột quỵ não, nhồi máu cơ tim, đang dùng thuốc chống đông máu nên nguy cơ chảy máu sẽ rất cao nếu tiến hành phẫu thuật. Bác sĩ cố gắng hồi sức và duy trì thông khí cho bệnh nhân, dự kiến mổ ngay khi điều chỉnh rối loạn đông máu xong. Bất ngờ đêm 10/8 tình trạng bệnh nhân đột ngột trở nặng, không thể trì hoãn ca mổ.
Phó giáo sư Đỗ Kim Quế, Phó giám đốc Bệnh viện Thống Nhất cho biết đêm ấy tình trạng bệnh nhân nguy cấp, ông và đồng nghiệp lập tức vào viện tổ chức hội chẩn và tiến hành ca mổ ngay lúc nửa đêm. Bệnh nhân bị suy hô hấp do hẹp khí quản nặng kèm theo có nhồi máu cơ tim mới, đột quỵ não, bệnh phổi nên quá trình gây mê, phẫu thuật đối diện nhiều nguy cơ.
Các bác sĩ vừa phải mổ nhanh chóng, chính xác vừa phải bảo đảm thông khí, bảo vệ cơ tim, bảo vệ não bệnh nhân không bị tổn thương thêm. Bệnh nhân phải dùng thuốc phòng ngừa chảy máu nhưng không được gây tắc các mạch máu nuôi tim và não bị hẹp. “Giống như nghệ sĩ xiếc đi trên dây thăng bằng, nghiêng bên nào một chút cũng gặp nguy hiểm”, bác sĩ Quế chia sẻ.
Sau khi cắt thành công đoạn hẹp khí quản dài 3 cm và khâu nối lại, tình trạng khó thở của bệnh nhân cải thiện nhanh chóng, hiện đã hồi phục, nói năng bình thường. Ông Ẩn sẽ trải qua một ca phẫu thuật để giải quyết bệnh 3 nhánh động mạch vành bị hẹp.
“Gia đình cứ nghĩ bố đã không thể qua khỏi vì tình trạng bệnh quá nặng, nằm mê man trong phòng cấp cứu”, con gái bệnh nhân chia sẻ.