Bộ Y tế điều động 90 sinh viên này từ hai trường Đại học Y Hà Nội và Đại học Y tế Công cộng. Ngày 22/8, các sinh viên đã được tập huấn về phòng chống dịch sốt xuất huyết. Các sinh viên được chia thành đội, mỗi đội giám sát hai tổ xung kích diệt bọ gậy.
Ngoài diệt bỏ gậy, Hà Nội tiến phun hóa chất diệt muỗi tại các công trường xây dựng, chợ, trường học, ổ dịch… để diệt đàn muỗi trưởng thành mang virus. Ảnh: N.P. |
Các đội chọn ngẫu nhiên 10 gia đình để kiểm tra số lần đội xung kích soi tìm ổ bọ gậy và xử lý, kết quả báo cáo gửi về Trung tâm Y tế dự phòng. Sinh viên được hỗ trợ kinh phí từ Bộ Y tế và TP Hà Nội theo quy định 100.000 đồng mỗi người một ngày. Thành phố đã thành lập 26.000 đội xung kích diệt bọ gậy và 4.000 tổ giám sát phòng chống dịch sốt xuất huyết.
Trước đó, kiểm tra ngẫu nhiên hai hộ gia đình tại phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, đoàn công tác của Bộ Y tế phát hiện 5 ổ bọ gậy tại các phế thải. Theo gia đình, đội xung kích diệt bọ gậy có đến gia đình họ nhưng không lên các tầng để kiểm tra.
Đến ngày 21/8, Hà Nội ghi nhận hơn 19.000 người mắc sốt xuất huyết, 7 trường hợp tử vong. Theo thống kê, dân văn phòng mắc bệnh sốt xuất huyết nhiều nhất chiếm khoảng 34% bệnh nhân; sau đó là học sinh (24%), sinh viên (18%), lao động tự do, hưu trí, công – nông dân, trẻ em.
Sốt xuất huyết dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus dengue gây nên. Bệnh lây truyền từ người này sang người khác qua trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes hay còn gọi muỗi vằn. Nguồn bệnh sốt xuất huyết dengue là người mang virus dengue. Vì thế, để phòng bệnh cho người lành, người bệnh sốt xuất huyết điều trị tại nhà cũng cần ngủ màn, mặc quần áo dài tay… tránh muỗi đốt làm lây truyền bệnh cho người khác. Bệnh nhân là nguồn lây trước thời kỳ sốt và cho đến khi hết sốt, trung bình 6 -7 ngày.
Hiện số bệnh nhân ở Hà Nội đã có xu hướng chững lại. Tuy nhiên, với thời tiết hai ngày nắng một ngày mưa như hiện nay của thủ đô, dự báo dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Thông thường, đỉnh của dịch rơi vào tháng 9-11.