Home » Khỏe và đẹp » Việt Nam trên lộ trình bao phủ y tế toàn dân

Việt Nam trên lộ trình bao phủ y tế toàn dân

Cuộc họp cấp cao APEC lần thứ bảy về Y tế và Kinh tế tại TP HCM ngày 23/8, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh đến vấn đề bao phủ y tế toàn dân. Điều cần thiết trên lộ trình tiến tới bao phủ y tế toàn dân là sử dụng các nguồn tài chính sẵn có một cách hiệu quả và có chiến lược, sắp xếp mô hình cung cấp dịch vụ phù hợp, quy định chất lượng và an toàn của dịch vụ y tế, trao quyền cho người dân và cộng đồng về nhận thức sức khỏe…

Theo bà Tiến, Việt Nam đã thực hiện rất nhiều biện pháp để đạt được bao phủ y tế toàn dân. Điển hình như đưa nhóm người nghèo và người dễ bị tổn thương khác vào giai đoạn đầu của quá trình hỗ trợ tài chính chăm sóc sức khỏe, đồng thời mở rộng mạng lưới cung ứng dịch vụ y tế trên toàn quốc. Hệ thống bảo hiểm y tế xã hội thành lập từ năm 1992 đến nay đã bao phủ khoảng 82% dân số. Gần đây Việt Nam đã đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng, nhân lực y tế để thúc đẩy việc tiếp cận bình đẳng hơn. Các biện pháp trên tạo ra những thay đổi tích cực tới sức khỏe và tuổi thọ của người dân Việt Nam.

“Giống như nhiều nền kinh tế đang phát triển của APEC, Việt Nam phải đối mặt với các vấn đề về tài chính y tế, như chi tiêu tiền cho y tế cao, khu vực phi chính thức lớn, tiếp cận kém với dịch vụ y tế ở các vùng nông thôn, hệ thống tập trung vào bệnh viện, hiệu quả sử dụng các nguồn lực chăm sóc sức khỏe thấp…”, bà Tiến nói. Các nguồn lực tập trung nhiều vào dịch vụ điều trị, trong khi không đủ để cung cấp cho các hoạt động dự phòng, nâng cao sức khỏe và chăm sóc sức khỏe ban đầu.

viet-nam-tren-lo-trinh-bao-phu-y-te-toan-dan

Cuộc họp cấp cao APEC lần thứ 7 về Y tế và Kinh tế tại TP HCM ngày 23/8. Ảnh: T.D

Đại diện 21 nền kinh tế thành viên APEC cùng thảo luận về những thách thức cơ bản trong huy động đủ nguồn ngân sách công cho y tế và các chiến lược sử dụng ngân sách một cách hiệu quả. Đo lường lợi ích của đầu tư công y tế để các nền kinh tế APEC ưu tiên cho y tế trong tổng ngân sách chung của chính phủ. Phát hiện và khai thác các sáng kiến mở rộng tiếp cận với các dịch vụ y tế, tiến tới mục tiêu “Vì một châu Á Thái Bình Dương khỏe mạnh năm 2020”.

Các nền kinh tế APEC có cùng mức chi tiêu y tế tương tự nhưng lại đạt được các kết quả sức khỏe khác biệt đáng kể từ nguồn đầu tư. Rõ ràng không phải một lựa chọn chính sách cụ thể nào có thể phù hợp với mọi hoàn cảnh, môi trường khác nhau. Mỗi nơi cần xét về bối cảnh xã hội, kinh tế, chính trị, lịch sử và văn hóa để xác định phương pháp hiệu quả nhất.

Việt Nam sẽ chuyển trọng tâm vào các nguồn lực cho tuyến chăm sóc ban đầu để cung cấp cho người dân các dịch vụ y tế công và thiết yếu có tính tiếp cận, an toàn, hiệu quả và trong khả năng chi trả.