Họp ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh chiều 25/8, tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, số ca mắc sốt xuất huyết trên cả nước đã vượt con số 100.000, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái, với 26 người tử vong. Số ca tăng nhiều nhất tại miền Bắc, miền Trung tăng nhẹ, trong khi Tây Nguyên giảm nhiều.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: N.Phương. |
Tại miền Bắc, bệnh nhân tập chung chủ yếu tại Hà Nội. Tuy nhiên, tiến sĩ Phu cũng lưu ý một số tỉnh lân cận có người lao động làm ăn từ Hà Nội về tạo ổ dịch. 80% số bệnh nhân của Nam Định, Thanh Hóa là người làm ăn từ Hà Nội về mang theo mầm bệnh sốt xuất huyết. Nếu không xử lý tốt có thể tạo thành các ổ dịch mới tại các địa phương.
Tiến sĩ Phu yêu cầu Hà Nội tập trung xử lý quyết liệt ổ dịch tại các quận ngoại thành; tổ chức chiến dịch diệt loăng quăng bọ gậy hiệu quả hơn. Thời tiết hiện nay rất phức tạp, mưa xong lại nắng, hình thành các vũng nước đọng sinh muỗi hình thành các ổ dịch mới.
Hiện nay việc phun hóa chất vẫn được đánh giá có hiệu quả cao để diệt đàn muỗi mang virus. Giám sát sau phun hóa chất tại 3 phường Thịnh Liệt (Hoàng Mai), Thanh Lương (Hai Bà Trưng) và Khương Thượng (Đống Đa) thì mật độ muỗi bằng 0.
Tuy nhiên, tiến sĩ Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho rằng sau diệt bọ gậy thì chỉ số bọ gậy giảm tại 3 phường này nhưng chưa triệt để. Ví dụ, tại phương Thịnh Liệt chỉ số bọ gậy trước khi diệt là 26%, sau khi diệt bọ gậy 12%. Tương tự tại phường Thanh Lương là 40-30, phương Khương Thượng là 20-7. Hiệu lực của hóa chất diệt muỗi trên thực địa tốt nhưng bọ gậy xử lý chưa triệt để. Nếu còn ổ bọ gậy, loăng quăng mà ở tuổi già thì chỉ cần vài giờ chúng sẽ nở thành muỗi.
Vì thế, ông Dương nhấn mạnh, về lâu dài cần xử lý các ổ bọ gậy. Ngoài ra, cùng loại hóa chất nhưng cách phun khác nhau thì hiệu quả khác nhau. Muỗi truyền sốt xuất huyết ít đậu vào tường, vì thế phải phun thước vào các xó xỉnh, các giá thể như chỗ treo quần áo…
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội vẫn đang diễn biến phức tạp, số ca vào viện giảm 10-20% nhưng số ca bệnh cộng đồng chưa có xu hướng đi xuống. Thủ đô cũng cần quan tâm đến vùng ngoại thành, số ca mắc có xu hướng chuyển dịch gia tăng từ nội thành sang ngoại thành.
“Theo Tổ chức Y tế Thế giới, sốt xuất huyết đã tăng 30 lần trong 30 năm qua, không có dấu hiệu chững lại. Việc kiểm soát đàn muỗi hết sức khó khăn. Chúng ta cần chạy đua với thời gian để kiểm soát dịch tốt, không để lây lan tại trường học”, Thứ trưởng Long nói.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Long nhắc các địa phương không được chủ quan với các dịch bệnh khác. Hiện bắt đầu vào mùa bệnh tay chân miệng. Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận hơn 51.000 ca tại 63 tỉnh thành; tăng hơn 3%. Cả nước cũng đã ghi nhận 41 người tử vong do bệnh dại. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị ứng phó với một số dịch bệnh lây lan từ bên ngoài vào như cúm H7N9, cúm H5N6 trên đàn gia cầm có thể lây sang người.