Home » Khỏe và đẹp » 50 năm làm ‘chuột bạch’ cho khoa học của cặp chị em song sinh dính liền

50 năm làm ‘chuột bạch’ cho khoa học của cặp chị em song sinh dính liền

Song sinh dính liền luôn là đề tài thu hút quan tâm của giới khoa học nói riêng và cộng đồng nói chung. Thế nhưng, đôi khi, sự chú ý đặc biệt ấy lại mang đến những điều tồi tệ như trường hợp Masha và Dasha Krivoshlyapova (Nga).

Masha và Dasha Krivoshlyapova tập đi 

Theo nhà báo Juliet Butler, tác giả cuốn sách The Less You Know The Sounder You Sleep dựa trên cuộc đời cặp song sinh Krivoshlyapova, Masha và Dasha sinh ngày 3/1/1950 tại Moscow. Trước đó, mẹ hai chị em là Yekaterina Krivoshlyapova không hề biết mình mang thai đôi. Bà mất hai ngày hai đêm cố rặn đẻ bình thường cho tới lúc bác sĩ chỉ định mổ.

Masha và Dasha chào đời dính liền từ eo trở xuống, có hai đầu hai tay ba chân. Ngay khi chào đời, họ nhanh chóng bị tách khỏi mẹ với lý do “cần chăm sóc đặc biệt” rồi được tuyên bố đã qua đời vì viêm phổi. Trên thực tế, hai chị em được chuyển tới Học viện Y học Nhi khoa để trở thành “chuột bạch” – đối tượng nghiên cứu khoa học. Cùng chung hệ tuần hoàn nhưng lại sở hữu hệ thần kinh riêng biệt, Masha và Dasha là đối tượng nghiên cứu lý tưởng. 

50-nam-lam-chuot-bach-cho-khoa-hoc-cua-cap-chi-em-song-sinh-dinh-lien

Masha và Dasha hồi nhỏ. Ảnh: Harper Coilins.

Từ đây, các nhà khoa học Liên Xô thực hiện hàng loạt thí nghiệm lên Masha và Dasha nhằm xác định phản ứng của hai em bé song sinh đối với tình trạng thiếu ngủ kéo dài, đói khát và thay đổi nhiệt độ dữ dội. Thậm chí, một trong hai người còn bị chích kim hoặc dìm xuống nước lạnh để xem người kia cảm thấy như thế nào.

Lên sáu tuổi, Masha và Dasha được đưa tới Trung tâm Nghiên cứu Chấn thương và Chỉnh hình. Họ bị giấu khỏi công chúng suốt tám năm trước khi nhập học trường nội trú dành cho trẻ em khuyết tật ở Novocherkassk, phía Bắc nước Nga. 

Trưởng thành, cặp chị em chẳng còn nhớ gì về quá khứ làm “chuột bạch”. “Chính tôi đã nhắc Dasha và Masha rằng họ từng trải qua hàng loạt thí nghiệm tàn nhẫn kéo dài sáu năm trời”, Butler tiết lộ. “Nhưng họ nói mình không nhớ gì cả mà chỉ lưu giữ những điều tốt đẹp như khoảnh khắc nữ y tá đem cho họ đồ chơi”. 

Năm 1968, Masha và Dasha được cắt bỏ cái chân thứ ba với mục đích “bớt gây chú ý”. Cùng lúc này tính cách của họ trở nên vô cùng khác biệt. Masha nóng nảy, thích kiểm soát còn Dasha ân cần, nhẹ nhàng, giàu tình cảm. Cô yêu say đắm anh bạn cùng lớp song Masha kiên quyết ngăn cản bởi tính sở hữu quá cao. Thất vọng, Dasha rơi vào trầm cảm, thậm chí cố treo cổ tự tử. 

50-nam-lam-chuot-bach-cho-khoa-hoc-cua-cap-chi-em-song-sinh-dinh-lien-1

Masha và Dasha trưởng thành. Ảnh: Nikolai Ignatiev.

Cùng với sự tiến bộ của y học, không ít bác sĩ chủ động mổ tách cho chị em nhà Krivoshlyapova. Thế nhưng Masha luôn nói lời từ chối. “Tôi không nghi ngờ Masha bị tâm thần, cô ấy có đủ triệu chứng”, Butler nói. “Masha từ chối tất cả những gì Dasha mong muốn. Đó là cơ hội yêu đương, giấc mơ làm mẹ, công việc và cả thứ đáng khao khát nhất là cơ thể riêng biệt”. 

Năm 1985, cặp song sinh tìm lại mẹ ruột. Gia đình đoàn tụ trong bốn năm rồi Masha quyết định cắt đứt liên lạc, bất chấp ý nguyện của Dasha. Đáng buồn, họ còn bị chính hai em trai ruột ruồng bỏ vì ngoại hình khác biệt.

Năm 1989, sau khi lên truyền hình kêu gọi giúp đỡ, Masha và Dasha tới sống trong căn phòng nhỏ một giường đơn ở Nhà Cựu Chiến Binh. Nhờ may tã giấy và lắp bóng đèn, họ kiếm ra tiền rồi mua sắm tivi, máy nghe nhạc, máy tính cũng như đóng góp từ thiện.

50-nam-lam-chuot-bach-cho-khoa-hoc-cua-cap-chi-em-song-sinh-dinh-lien-2

Hai chị em trong căn phòng nhỏ tại Nhà Cựu Chiến Binh. Ảnh: Nikolai Ignatiev.

Ngày 14/4/2003, Masha qua đời vì đau tim. Khi ấy Dasha lại là người một mực từ chối mổ tách để được ở bên chị gái. “Dù thế nào họ đã cùng nhau vượt qua rất nhiều chuyện. Tình yêu thương giữa họ là không thể chối cãi”, Butler miêu tả.

Ngày 17/3/2003, Dasha ra đi do ngộ độc máu từ phần cơ thể phân hủy của Masha. Hiện 2 chị em yên nghỉ tại Nghĩa trang Novodevichy.