Người đàn ông 71 tuổi ở quận 6, TP HCM, đột ngột nặng ngực khó thở khuya 11/8, người nhà gọi taxi đưa đi cấp cứu. Trên đường đến viện, ông bất ngờ đổ gục trong xe, tím tái, mê man. Các bác sĩ tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng đã ngưng tim ngưng thở. Đội cấp cứu phản ứng nhanh Code Blue của bệnh viện dùng máy sốc điện kịp thời hồi sức tim phổi, nhấn tim, bóp bóng trợ thở… cho bệnh nhân.
Bác sĩ Nguyễn Quang Dũng, Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, may mắn ước tính từ lúc bệnh nhân bị ngưng tim trên xe đến khi vào viện là khoảng 5 phút, đội phản ứng nhanh đã kịp thời xử trí nên sau chừng 15 phút trái tim bệnh nhân đã đập trở lại, qua cơn nguy hiểm. “Nếu tim ngưng đập hoàn toàn quá 5 phút nữa thì khả năng cứu sống bệnh nhân rất thấp, hoặc sẽ để lại nhiều di chứng nặng nề”, bác sĩ Dũng chia sẻ.
Hướng dẫn cách ép tim thổi ngạt cứu người ngưng thở
Vượt qua giây phút thập tử nhất sinh, ông Khanh được tiếp tục đặt ống nội khí quản để giúp thở. Bác sĩ xác định ông bị nhồi máu cơ tim, chuyển lên khoa can thiệp tim mạch. Bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện để can thiệp mạch vành ngay song khi điều trị bằng thuốc thì xuất hiện nhiều đợt phù phổi, loạn nhịp tim nguy kịch.
Lãnh đạo bệnh viện đã quyết định hỗ trợ chi phí để bệnh nhân được can thiệp mạch vành, đặt hai stent thành công và nhanh chóng hồi phục.
Bệnh nhân hồi phục khỏe mạnh, tái khám sáng 29/8. Ảnh: T.P. |
Đội phản ứng nhanh cấp cứu Code Blue của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương bắt đầu hoạt động từ tháng 7, kịp thời cứu sống nhiều bệnh nhân ngưng tim, đặc biệt hỗ trợ những đơn vị không có khả năng cấp cứu nhanh. Đội trực 24/24h, triển khai theo ca của khoa cấp cứu, do bác sĩ trưởng kíp điều động gồm một bác sĩ, một điều dưỡng và một nhân viên vận chuyển máy sốc điện.
“Trước đây có nhiều bệnh nhân ngưng tim dù ở viện nhưng lại nằm tại những khoa không thể cấp cứu nhanh nên có thể mất thời gian vàng cứu sống”, bác sĩ Dũng nói.