Thoái hóa khớp là tình trạng tổn thương các cấu trúc trong khớp, trong đó quan trọng nhất là sụn khớp và xương dưới sụn. Phản ứng viêm tại vị trí này còn hình thành nên các cytokin và enzym tham gia vào sự phá hủy sụn khớp và xương dưới sụn.
Đây là bệnh mạn tính chủ yếu xảy ra ở người trung niên và người có tuổi, song cũng có thể xảy ra ở người trẻ tập luyện thể thao quá mức với phương pháp tập luyện không hợp lý.
Bác sĩ Bùi Hồng Thiên Khanh đang khám cho nữ bệnh nhân bị thoái hóa khớp. Ảnh: TT. |
Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hồng Thiên Khanh, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết một số môn thể thao tạo áp lực nhiều lên khớp như leo cầu thang, đá banh, bóng chuyền, bóng rổ, tennis, cử tạ… Sau khi tập luyện, các khớp cần có thời gian để phục hồi. Nếu tập quá mức sẽ làm các cấu trúc trong khớp bị tổn thương, trong đó có sụn khớp và xương dưới sụn gây nên thoái hóa khớp. Vì vậy, người tập cần tuân thủ đúng phương pháp và có thời gian nghỉ ngơi hợp lý.
Các yếu tố nguy cơ gây bệnh là lớn tuổi, béo phì, có chấn thương khớp trước đó, tập luyện thể thao quá mức và có vấn đề về gene. Thoái hóa khớp có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp ở người trung niên và lớn tuổi. Người bệnh có triệu chứng đau tăng khi vận động và thường nhiều hơn về cuối ngày, giới hạn vận động khớp, nghe các tiếng lạo xạo, lụp cụp trong khớp. Khi đó nên đến khám ở chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình để được điều trị kịp thời, bác sĩ Khanh khuyến cáo.
Khớp gối dễ bị tổn thương khi vận động quá mức hoặc sai cách. |
Thời gian qua Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM tiếp nhận nhiều bệnh nhân trẻ tuổi bị thoái hóa khớp do tập thể thao sai cách. Có một nữ bệnh nhân 27 tuổi tại TPHCM bị đau khớp gối, cơn đau tăng lên khi ngồi xổm hoặc đi nhiều. Người phụ nữ cho biết sau khi sinh con cân nặng vẫn không giảm như trước khi mang thai nên cảm thấy tự ti. Chị tìm hiểu mọi cách giảm cân để nhanh chóng trở về vóc dáng như xưa.
“Một người khuyên leo cầu thang là phương pháp giảm cân thần tốc hơn chạy bộ bình thường. Tôi cố gắng leo lên leo xuống bốn tầng nhà 10 lần mỗi buổi sáng và 10 lần tối”, bà mẹ trẻ kể. Tập một tháng, người phụ nữ giảm ba kg nhưng đầu gối ngày càng đau, đau tăng khi ngồi xổm hoặc đi nhiều. Ban đầu chỉ đau lúc vận động, về sau đau cả trong khi ngủ.
Bác sĩ chẩn đoán chị Thoa bị thoái hóa khớp gối sớm do tập luyện thể dục không đúng cách. Bệnh nhân cần nghỉ ngơi, thay đổi thói quen sinh hoạt, hạn chế đi lại nhiều và leo cầu thang. Nếu tình trạng bệnh không thuyên giảm có thể sử dụng thêm các phương pháp điều trị nội khoa khác.
Hiện nay nhiều phụ nữ thích tập yoga để cải thiện sức khỏe. Môn này khá nhẹ nhàng nhưng bác sĩ Khanh khuyến cáo người tập cần cân nhắc kỹ vì những hệ lụy có thể xảy ra khi thực hiện các động tác cúi gập mình quá nhiều. Bác sĩ từng điều trị cho một nữ bệnh nhân bị đau lưng cơ năng nên tập yoga để cải thiện. Sau một tuần tập luyện, với nhiều động tác cúi gập lưng, tình trạng đau lưng của chị ngày càng tăng, đi lại khó khăn hơn, không thể cúi người, khó ngồi dậy sau khi nằm nghỉ. Bác sĩ chẩn đoán chị bị đau lưng cấp, phải nghỉ ngơi tối đa, thay tập yoga bằng các bài tập vật lý trị liệu cột sống lưng và tạo thói quen đứng dậy đi lại, không ngồi lâu một chỗ, kết hợp sử dụng thuốc. Sau hai tuần tuân thủ chỉ định của bác sĩ, tình trạng đau mỏi của bệnh nhân đã cải thiện dần.
Sáng 10/9 Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM tổ chức tư vấn về chẩn đoán và điều trị thoái hóa khớp. 100 người đăng ký sớm nhất tại Phòng khám Xương khớp hoặc điện thoại 028 39 525 449 – 39 525 422, sẽ được tặng phiếu khám miễn phí. |