Ngày 8/9, Bảo hiểm xã hội Việt Nam gửi một công văn sang Bộ Y tế thay thế cho công văn ngày 28/8 đề xuất về tỷ lệ sử dụng thuốc biệt dược gốc. Bảo hiểm cho rằng đề xuất trước có một số sai sót về mặt kỹ thuật nên tỷ lệ sử dụng thuốc biệt dược gốc chưa nêu chính xác.
Lần này quy định tỷ lệ biệt dược gốc được Bảo hiểm Xã hội xây dựng chi tiết hơn và phân theo tuyến, hạng bệnh viện. Trước đó, Bảo hiểm chỉ đề xuất ba mức tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc là 30% với các bệnh viện tuyến trung ương, 5% ở các bệnh viện tuyến tỉnh và bệnh viện tuyến huyện không sử dụng.
Theo đề xuất mới, tại các bệnh viện tuyến trung ương trực thuộc Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ sở khám chữa bệnh tương đương, tỷ lệ sử dụng thuốc biệt dược gốc tối đa bằng 30% tổng chi phí thuốc. Tỷ lệ này ở các bệnh viện hạng 1, 2, 3 lần lượt là 25%, 15% và 4%. Nơi nào đang sử dụng tỷ lệ cao thuốc biệt dược gốc thì phải điều chỉnh giảm để không quá mức tối đa; các cơ sở y tế còn lại đảm bảo tỷ lệ bằng năm 2016.
Cơ sở khám chữa bệnh được xếp hạng bốn, trạm y tế xã không sử dụng biệt dược gốc.
Trước đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sửa đổi, bổ sung quy định về việc mua biệt dược gốc đã hết bản quyền để giảm giá thuốc; thay thế biệt dược gốc bằng các thuốc generic nhóm 1 (nhóm có tiêu chuẩn cao nhất hiện nay).
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, chi phí sử dụng thuốc biệt dược gốc trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2016 là hơn 8.000 tỷ đồng, bằng 26% tổng chi phí thuốc. Trong đó, tỷ lệ sử dụng thuốc biệt dược gốc tại bệnh viện tuyến trung ương là 47% tổng chi phí thuốc, tuyến tỉnh 24% và tuyến huyện 7%. Chi phí thuốc biệt dược gốc hết hạn bản quyền có 1-3 loại thuốc generic nhóm một thay thế trở lên là gần 3.000 tỷ đồng.