Bệnh nhi bị lõm ngực nặng, thể trạng gầy gò và thường xuyên viêm phổi. Chụp CT Scan ngực tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM) phát hiện bé bị tổn thương “phổi biệt trí” nằm trong thùy dưới phổi phải, một dị tật bẩm sinh tương đối hiếm. Đây là nguyên nhân gây ra tình trạng viêm phổi tái phát nhiều lần khiến bé chậm lớn chứ không phải do tình trạng lõm ngực nặng.
Phim CT scan ngực ghi nhận tổn thương phổi biệt trí trong thùy dưới phổi phải của bệnh nhi. |
Thạc sĩ Vũ Trường Nhân, Phó Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết thuật ngữ “phổi biệt trí” hay còn gọi “phổi biệt lập” dùng để chỉ một khối mô phổi không có chức năng hô hấp. Chúng có đặc điểm là được cấp máu riêng bởi mạch máu xuất phát từ động mạch chủ.
Phẫu thuật cắt thùy phổi chứa mô phổi biệt trí ở trẻ em khó hơn cắt thùy phổi bệnh lý thông thường vì phải kiểm soát tốt các mạch máu xuất phát từ động mạch chủ. Chỉ cần sơ suất gây tổn thương sẽ khiến bệnh nhi mất lượng máu lớn trong vài giây, vô cùng nguy hiểm.
Bé gái được các bác sĩ lần đầu phẫu thuật nội soi lồng ngực cắt bỏ thùy dưới phổi phải chứa mô phổi biệt trí vào ngày 28/8. Ca mổ khó khăn hơn dự kiến do tình trạng viêm nhiễm gây chảy máu nhiều. Nhờ bác sĩ chuẩn bị kỹ các phương án và phối hợp tốt trong việc thực hiện thông khí một phổi, cuộc phẫu thuật kết thúc thành công. Bệnh nhi hồi phục xuất viện sau 5 ngày. Tái khám một tháng sau mổ, sức khỏe bé gái tiến triển tốt.
Hình minh họa tổn thương phổi biệt trí. |
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc, phụ trách khối ngoại Bệnh viện Nhi Đồng 2 nhận định, thành công của ca mổ nội soi này giúp kỹ thuật phẫu thuật tạo hình lồng ngực sau này đơn giản hơn nhiều so với đường mổ mở ngực lớn, mang đến hy vọng cho bệnh nhi.