Chia sẻ nhân ngày tim mạch thế giới 29/9, giáo sư Đỗ Doãn Lợi, Viện trưởng Tim mạch Việt Nam cho biết số người mắc bệnh tim ngày càng tăng và tuổi càng trẻ. Cứ bốn người trên 25 tuổi thì ít nhất một người nguy cơ bệnh tim mạch. Đáng chú ý là tình trạng bệnh tim ở phụ nữ đang gia tăng.
Mỗi năm số phụ nữ tử vong do bệnh tim và đột quỵ nhiều hơn cả ung thư, bệnh lao, sốt rét và nhiễm HIV/AIDS cộng lại. Cứ mỗi phút trên thế giới có hơn 16 phụ nữ tử vong do bệnh tim mạch. Hiện nay bệnh không chỉ gặp ở phụ nữ lớn tuổi mà đã phổ biến với tuổi dưới 50. Số ca tử vong do nhồi máu cơ tim ở nhóm tuổi dưới 50 gấp đôi so với nam giới.
Bảng nhịp tim tiêu chuẩn của nữ giới theo độ tuổi. |
Theo giáo sư Lợi, lối sống công nghiệp hóa, đô thị hóa khiến con người ít vận động, uống nhiều rượu bia, sử dụng thức ăn nhanh chứa nhiều dầu mỡ, nhiều cholesterol nhưng ít chất xơ và rau củ quả. Áp lực cuộc sống, thường xuyên căng thẳng cũng góp phần làm suy giảm sức khỏe tim mạch và tăng nguy cơ bệnh.
“Mỗi người có thể giảm tới 80% nguy cơ mắc bệnh tim mạch nếu ăn uống lành mạnh kết hợp vận động thể lực 150 phút mỗi tuần, ngưng hút thuốc, giảm cân nặng, hạ cholesterol và huyết áp”, giáo sư Lợi chia sẻ.
Bảng nhịp tim tiêu chuẩn của nam giới theo độ tuổi. |
Giảm stress, chủ động với các hoạt động hàng ngày để tăng cường vận động tốt cho tim mạch như các bài tập cadio, đi bộ nhanh, đạp xe… Chủ động hiểu nhịp tim để phòng ngừa bệnh. Không nên chờ đến khi tim có vấn đề mới khám bệnh mà nên thường xuyên kiểm tra nhịp tim trong cuộc sống hàng ngày.
Phó Giáo sư Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, dinh dưỡng có vai trò quan trọng giúp giảm đến 45% nguy cơ bệnh tim mạch. Chế độ dinh dưỡng tốt cho tim mạch là hạn chế các thực phẩm chứa chất béo bão hòa, ăn nhiều rau xanh, đậu nành, các thực phẩm cung cấp protein thực vật, không có cholesterol…