Trung Quốc đưa vấn đề nâng cao sức khỏe vào chiến lược quốc gia, với mục tiêu một phần ba dân số, tương đương 435 triệu người, tập thể dục đều đặn vào năm 2020. Song, dường như chiến lược này chưa được giới trẻ Trung Quốc lưu tâm. Lười biếng và thờ ơ với mọi hoạt động thể chất, thể lực trẻ em và thanh thiếu niên Trung Quốc đang suy giảm một cách nghiêm trọng.
Một sinh viên Trung Quốc mệt nhoài khi tập thể dục. Ảnh: SCMP. |
Theo SCMP, xu hướng lười vận động của giới trẻ Trung Quốc đã hình thành cách đây nhiều thập kỷ. Xinhua đưa tin tại một ngôi trường phía Đông Bắc, kỷ lục chạy 800 m do một nữ sinh thiết lập từ năm 1977 đến nay không hề bị phá vỡ. Trong hội thao hàng năm của trường trung học Caihe ở Hàng Châu, giáo viên phải hủy bỏ cuộc thi chạy 1,5 km bởi học sinh cảm thấy quá khó.
Tại cấp đại học, tình hình không mấy khả quan. Đại học Nankai ở Thiên Tân yêu cầu sinh viên phải đỗ bài kiểm tra thể lực mới được lên lớp. Tuy nhiên, kỳ tốt nghiệp hồi tháng bảy vừa qua, chỉ một phần ba sinh viên đủ điều kiện nhận chứng chỉ thể dục.
Một số lý do khách quan lý giải sự đi xuống của hoạt động thể chất tại trường học như các cơ sở thể thao chuyên nghiệp đã thu hút hết học sinh tiềm năng, đội ngũ chuyên gia cùng giáo viên, phụ huynh tin rằng thế hệ trẻ Trung Quốc ngày càng yếu ớt do lười vận động và mải mê đắm chìm vào điện thoại, máy tính.
Wang Zongping, chuyên gia phát triển tại Đại học Khoa học và Công nghệ Nam Kinh cho biết thể chất thanh thiếu niên từ cấp tiểu học đến đại học giảm liên tục suốt ba thập kỷ.
Từ năm 2000, Tổng cục Thể thao Trung Quốc cứ năm năm lại báo cáo về sức khỏe người dân mọi lứa tuổi. Báo cáo mới nhất vào năm 2015 cho thấy tỷ lệ béo phì ở đại học tăng lên rõ rệt do mức độ luyện tập quá ít. Số trường hợp đeo kính cận cũng ngày một đông và trẻ hóa.
Bên cạnh đó, kết quả kiểm tra thể chất cho thấy thành tích của nhóm 7-19 tuổi thời nay kém hơn năm năm trước. Ví dụ, năm 2010, các em trong độ tuổi này nhảy xa trung bình được 1,262 m nhưng đến năm 2015 chỉ còn 1,223 m.
Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Bắc Kinh dự đoán năm 2030, khoảng 28% trẻ từ bảy đến 18 tuổi, tương đương 50 triệu em, sẽ bị xếp vào hạng thừa cân hoặc béo phì.
Dự báo năm 2030, Trung Quốc sẽ có 50 triệu trẻ em thừa cân, béo phì. Ảnh: SCMP. |
Giải thích hiện trạng trên, các giáo viên tin rằng học sinh sinh viên không dành thời gian tập thể dục ngay cả khi có cơ hội. “Rất ít em đạt kết quả thể dục tốt”, giáo viên Zhu Yifang từ Trường Ngoại ngữ Hàng Châu nói. “Chúng chịu đựng kém và không muốn làm điều gì khó khăn, thử thách. Mỗi lần chúng tôi tổ chức thi chạy 800 m hoặc một km, chúng phàn nàn ngay lập tức”.
Hơn hết, giới trẻ không nghĩ rằng thể dục là một kỹ năng quan trọng. “Giáo viên hiếm khi lấy các học sinh giỏi bóng đá ra làm gương. Trên thực tế, nhiều bố mẹ còn muốn con mình tránh xa những đứa trẻ hiếu động vì chúng bị coi là nghịch ngợm, không chịu học hành”, ông Wang nhận định.
Zhuo Er có con gái 14 tuổi đồng tình với ông Wang. “Bọn trẻ bị giao quá nhiều bài tập và chúng ta thường chỉ nghĩ đến việc giúp chúng hoàn thành hết mà quên rằng các con cũng cần tập thể dục”, người phụ nữ chia sẻ. Thời gian hạn hẹp, Zhuo chỉ nhắc con gái nghe nhạc hoặc xem tivi. Thỉnh thoảng, cô bé đi dạo sau bữa ăn tối nếu mẹ nhắc.
Ông Wang tin rằng cách duy nhất để thay đổi sự thờ ơ của giới trẻ đối với hoạt động thể chất là đưa môn học này lên ngang hàng với Toán, Ngữ văn. Cho đến lúc ấy, sức khỏe của thế hệ tương lai Trung Quốc vẫn sẽ đi xuống và giấc mơ trẻ hóa đất nước vẫn không thể thành sự thật.