Home » Khỏe và đẹp » Nguy cơ biến chứng khi chữa tiểu đường bằng thuốc ‘gia truyền’

Nguy cơ biến chứng khi chữa tiểu đường bằng thuốc ‘gia truyền’

Người phụ nữ 50 tuổi ở huyện Cần Giờ, TP HCM, được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 cách đây năm năm. “Tôi uống một bài thuốc được người quen giới thiệu là gia truyền, cảm thấy ngày càng mệt mỏi, sụt cân và khát nước nhiều hơn”, nữ bệnh nhân chia sẻ.

Bà Ngân đến khám tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, xét nghiệm cho thấy chỉ số đường huyết của bệnh nhân quá cao, phải nhập viện để điều trị ổn định đường huyết. 

Theo bác sĩ Trần Minh Triết, Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, tiểu đường được xem là một trong những đại dịch của nhân loại trong thế kỷ 21 vì tính chất phổ biến của nó. Tuy nhiên, phần lớn người bệnh chưa nhận thức đúng đắn và quan niệm sai lầm về bệnh khiến chất lượng cuộc sống giảm sút, quá trình điều trị trở nên khó khăn hơn.

Bệnh tiểu đường không lây nhưng không thể trị khỏi hẳn, đòi hỏi bệnh nhân phải sống chung với nó suốt đời. Trên thực tế, hầu hết người bệnh sau khi được chẩn đoán đái tháo đường thường cảm thấy lo sợ và có tâm lý phản kháng, không chấp nhận kết quả hoặc hy vọng có thể điều trị khỏi hẳn. Một số khác theo các phương thuốc truyền miệng chưa được kiểm chứng, khiến bệnh ngày càng trầm trọng và khó điều trị hơn.

ruoc-hoa-vao-than-do-uong-thuoc-gia-truyen-chua-tieu-duong

Bác sĩ Minh Triết đang khám cho bệnh nhân tiểu đường. Ảnh: TT.

Bác sĩ Triết cảnh báo ăn uống thoải mái hay quá kiêng khem đều không tốt cho bệnh nhân tiểu đường. Bác sĩ từng điều trị cho một bệnh nhân 37 tuổi là giáo viên tiểu học tại An Giang. Cô giáo này tuân thủ lịch khám và dùng thuốc điều độ. Tuy nhiên cô ăn uống kiêng khem, chỉ ăn rau luộc mỗi ngày, giảm tối đa đường, tinh bột và chất đạm trong khẩu phần ăn. Chỉ số đường huyết luôn ở mức ổn định, song bệnh nhân thường cảm thấy mệt mỏi, không muốn tiếp xúc với ai do mặc cảm bệnh tật.

Được bác sĩ tư vấn tâm lý và hướng dẫn chế độ dinh dưỡng đầy đủ mà vẫn đảm bảo ổn định đường huyết, bệnh nhân đã vượt qua được cảm giác tự ti về bệnh tật. Từ đó, cuộc sống của người bệnh thay đổi theo hướng tích cực, tinh thần lạc quan và bình tĩnh hơn khi đối diện với bệnh tật.

Bác sĩ Triết nhìn nhận những rối loạn tâm lý ở người bệnh đái tháo đường rất phổ biến nhưng thường bị bỏ sót trong thực hành lâm sàng. Đây là vấn đề cần được quan tâm, bởi tâm lý bệnh nhân ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả điều trị. Nếu những rối loạn, bất ổn về tâm lý không được nhận biết sớm và tháo gỡ kịp thời, người bệnh hoang mang, tìm đến những phương pháp điều trị không khoa học hoặc bỏ dở liệu trình điều trị. Tiểu đường diễn tiến nặng sẽ gây ra nhiều biến chứng.

Nhằm nâng cao nhận thức về bệnh tiểu đường, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM tổ chức sinh hoạt định kỳ Câu lạc bộ Người bệnh đái tháo đường lần thứ 6 nhân Ngày đái tháo đường thế giới 14/11. Bệnh nhân chia sẻ kinh nghiệm chung sống với bệnh, giúp nhau sống vui khỏe hơn. Chương trình diễn ra sáng 5/11 tại số 215 Hồng Bàng, Phường 11, Quận 5, TP HCM. Đăng ký tham dự miễn phí: 02 839 525 449 – 839 525 422 (giờ hành chính).

* Tên bệnh nhân đã được thay đổi

Trần Ngoan