Theo USA Today, kết quả trên do Clean Label, một tổ chức phi lợi nhuận công bố tuần trước. Sau năm tháng kiểm tra 530 mẫu thức ăn, sữa bột và nước uống trẻ em ở Mỹ, nhóm tác giả phát hiện 65% sản phẩm dương tính với asen, 36% có chì, 58% chứa cadmium và 10% nhiễm acrylamide.
Jennifer Lowry, bác sĩ nhi khoa kiêm chuyên gia độc tố tại Bệnh viện Nhi Mercy không tham gia nghiên cứu, cho biết bốn chất này đều tác động tiêu cực đến kỹ năng vận động và nhận thức của trẻ nhỏ.
Ảnh: NY Daily News. |
Là chất độc được tìm thấy nhiều nhất, asen có mặt trong 80% mẫu sữa bột được kiểm nghiệm. Tổ chức Y tế Thế giới từ lâu đã cảnh báo asen liên quan đến dị tật phát triển, bệnh tim mạch, nhiễm độc hệ thần kinh, tiểu đường và thậm chí cả ung thư.
Bên cạnh sữa bột, các loại thực phẩm trẻ em làm từ gạo cũng chứa nhiều asen. Trên thực tế, cây lúa dễ hấp thụ chất độc này nếu mặt đất bị ô nhiễm.
“Người tiêu dùng cần hiểu rằng một số kim loại nặng như chì, asen ở trong môi trường và không thể dễ dàng lấy ra khỏi thực phẩm”, Peter Casell, phát ngôn viên Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ nói.
Ngoài asen, chì khiến các nhà khoa học lo ngại. Vài tháng trước, Quỹ Bảo vệ Môi trường Mỹ từng phát hiện 20% trong số 2.164 mẫu thức ăn trẻ em dương tính với chì. Dù ở mức độ thấp, chì vẫn gây nguy hiểm và có thể dẫn tới tình trạng trẻ em có mức IQ thấp, tăng trưởng chậm, rối loạn hành vi, vấn đề về thính giác và thiếu máu.
Công bố kết quả kiểm tra trên trang web, Clean Label hy vọng sẽ giúp các phụ huynh lựa chọn sản phẩm tốt cho con mình, đồng thời tạo ra sự thay đổi trong ngành kinh doanh thức ăn trẻ em. Các nhà sản xuất liên quan đến những sản phẩm được kiểm nghiệm bởi tổ chức này đã lên tiếng bác bỏ kết quả.