Gọi đến tổng đài miễn phí cai nghiện thuốc lá 1800 1214 của Bệnh viện Nhân dân Gia Định, người đàn ông cho biết mình ngoài 60 tuổi, nghiện thuốc lá đã mấy chục năm nay. Gần đây nhiều lần ông quyết tâm bỏ thuốc nhưng đều không thể thực hiện được. “Cứ bỏ thuốc là tôi bủn rủn chân tay, đi khám bác sĩ bảo không có bệnh. Hút lại thì khỏe mạnh đi đứng bình thường”, người đàn ông chia sẻ cùng nữ tổng đài viên.
Câu chuyện của người đàn ông này là tình huống khá phổ biến mà chị Lưu Kim Cúc gặp trong hơn hai năm tổng đài hoạt động. Rất nhiều người gọi điện đến kể rằng khi đột ngột bỏ thuốc lá thì tăng huyết áp, ho đờm, cơ thể mệt mỏi, bứt rứt, phải hút trở lại. Chị Cúc cùng các tổng đài viên khác phải giải thích, tư vấn, động viên để họ thêm quyết tâm cai thuốc lá.
Chị Cúc tư vấn qua điện thoại cho người cai nghiện thuốc lá. Ảnh: Lê Phương. |
Thỉnh thoảng trực điện thoại ngoài giờ hành chính, dược sĩ Võ Thị Kiều Quyên nhớ mãi cuộc gọi của một bà mẹ nhờ hỗ trợ cai thuốc lá cho con trai. Cuộc nói chuyện kéo dài vì không chỉ dừng lại ở hỗ trợ chuyên môn, người mẹ còn tâm sự rất nhiều về những lo lắng khi con trai dùng chất kích thích, các xáo trộn trong gia đình.
“Có lần một thanh niên ở Tây Nguyên bày tỏ mong muốn cai thuốc lá vì sắp có con, mỗi lần muốn gặp bác sĩ phải lội đường rừng mấy chục km, tình cờ biết đến tổng đài nên liên lạc nhờ giúp đỡ”, dược sĩ Quyên chia sẻ. Nam thanh niên được hướng dẫn một số cách để tăng cường quyết tâm cai thuốc lá, điều chỉnh các thói quen tránh gợi nhớ điếu thuốc, sử dụng một số phương tiện hỗ trợ như kẹo, miếng dán…
Theo dược sĩ Quyên, thông thường người gọi sẽ được tổng đài viên hỏi các thông tin về hút thuốc bao lâu, mỗi ngày bao nhiêu điếu, từng cai chưa, ngưng thuốc thế nào… Tùy từng trường hợp cụ thể, các tổng đài viên đánh giá và tư vấn các phương pháp hữu ích. Trường hợp nghiện nặng phải gặp bác sĩ tại phòng khám để được kiểm tra, sử dụng thuốc và theo dõi phù hợp.
Trung bình mỗi ngày tổng đài cai nghiện thuốc lá tiếp nhận khoảng 20 cuộc gọi, mỗi cuộc kéo dài khoảng 15-20 phút.
Phòng tư vấn cai nghiện thuốc lá qua điện thoại. Ảnh: Lê Phương. |
Bác sĩ Nguyễn Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết sau hơn hai năm hoạt động, tổng đài đã tiếp nhận tư vấn, giải đáp thắc mắc cho hàng nghìn cuộc gọi nhờ hỗ trợ cai thuốc lá. Các tổng đài viên được trang bị những kiến thức về tác hại thuốc lá, một số vấn đề cơ bản trong cai nghiện.
“Mục tiêu quan trọng của tổng đài là giúp mọi người nhận thức được lợi ích của việc cai thuốc, những tác hại đến bản thân và người xung quanh, thúc đẩy quyết tâm và nghị lực từ bỏ thuốc lá”, bác sĩ Tuyết chia sẻ.
Bệnh viện đang xây dựng kế hoạch nhân sự và đào tạo chuyên nghiệp, trang bị phòng tổng đài riêng thay vì tận dụng phòng trực điều dưỡng như hiện nay.