*Độc giả gửi câu hỏi tại đây*
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn – Tổng thư ký Chi hội Tiêu hoá Gan mật Dinh dưỡng Nhi Việt Nam, trong suốt mùa cúm, có đến 40% trẻ nhỏ và 30% học sinh nhiễm bệnh. Cúm truyền nhiễm cấp tính, lây lan nhanh theo đường hô hấp. Một ngày trước khi có triệu chứng cho đến 7 hôm sau đó, trẻ có thể lây cho hàng trăm bé khác khi ho, hắt hơi.
Các mẹ hay nhầm lẫn mắc cúm phải dùng kháng sinh, mà không biết rằng cúm do ba chủng virus A, B, C gây ra. Thường gặp nhất là chủng cúm A với 144 loại virus (tổ hợp 16 kháng nguyên H1-H16 và 9 kháng nguyên N1-N9; ví dụ H1N1, H3N2 và H5N1).
“Trẻ cúm có nguy cơ cao gặp biến chứng viêm phổi, xoang, thanh – khí – phế quản, tai giữa; xoang cấp; viêm mủ màng phổi. Uống kháng sinh không có tác dụng diệt virus cúm, cũng không giúp phòng ngừa bội nhiễm vi khuẩn ở người đang mắc bệnh. Bác sĩ chỉ kê đơn khi bệnh nhân có biến chứng bội nhiễm”, chuyên gia lưu ý.
Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn hiện là Tổng thư ký Chi hội Tiêu hoá Gan mật Dinh dưỡng Nhi Việt Nam. Ông có gần 20 năm kinh nghiệm giảng dạy và điều trị nhi khoa, đang công tác tại Bệnh viện Nhi đồng I. |
Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy – Cố vấn cao cấp chuyên khoa dinh dưỡng, Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc cũng cho biết, hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu, phải đến năm 6 tuổi mới hoàn thiện tương đối như người lớn. Thế nhưng trong 5 năm đầu đời, trẻ có thể dùng lượng kháng sinh nhiều bằng tổng cuộc đời còn lại. Thuốc tiêu diệt hàng tỷ lợi khuẩn tự nhiên có trong cơ thể, làm giảm sức đề kháng, khiến trẻ rơi vào vòng luẩn quẩn ốm đau liên miên.
Virus cúm luôn tồn tại xung quanh, chờ trực miễn dịch suy yếu để tấn công trẻ nhỏ. Cách phòng bệnh đơn giản và hiệu quả nhất là ăn uống đủ chất, tập thể thao… Gần đây, xu hướng bổ sung lợi khuẩn được chứng minh lâm sàng giúp tăng cường miễn dịch cũng đang được chú ý. Chúng cũng giúp trẻ nhanh khỏi ốm, ngừa biến chứng, khi chẳng may nhiễm virus cúm.
Hiện thuốc kháng virus đặc hiệu được chỉ định trong một số trường hợp bệnh nặng, nhằm giảm nguy cơ biến chứng. Thuốc ho, nghẹt mũi làm giảm nhẹ triệu chứng khó chịu, song không giúp bệnh hết nhanh hơn. Nếu sốt cao, có thể dùng hạ sốt chứa paracetamol, tuyệt đối tránh aspirin. Cha mẹ nên cho trẻ nhập viện, cách ly ngay nếu nghi ngờ chủng cúm nguy hiểm, ví dụ H5N1.
Ăn gì để phòng cúm, cách bổ sung lợi khuẩn thế nào, phân biệt cảm cúm và cảm lạnh ra sao, khi nào nên nhập viện… sẽ được các chuyên gia tư vấn cụ thể vào 14h ngày 22/11 trên VnExpress.
Phó giáo sư Nguyễn Anh Tuấn, bác sĩ Đào Thị Yến Thủy cũng sẽ trả lời mọi câu hỏi của độc giả xoay quanh chủ đề cảm cúm.
Bác sĩ chuyên khoa I nội nhi Đào Thị Yến Thủy hiện là cố vấn cao cấp chuyên khoa dinh dưỡng, Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc. Bà từng công tác tại Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM, có nhiều năm kinh nghiệm khám, tư vấn, giảng dạy dinh dưỡng. |
An San