Theo bác sĩ Trần Thị Minh Nguyệt, trước đây mọi người thường nghĩ loãng xương là bệnh của các cụ già. Tuy nhiên gần đây các nghiên cứu đều ghi nhận độ tuổi bị loãng xương ngày càng trẻ hóa. Các bệnh viện chuyên khoa xương khớp ghi nhận nhiều bệnh nhân bị gãy xương do loãng xương xảy ra ở độ tuổi dưới 40.
Từ sau 35 tuổi trở đi mật độ xương của con người bắt đầu giảm sút. Tốc độ hủy xương diễn ra nhanh hơn quá trình tạo xương, khiến xương mất dần các khoáng chất cần thiết. Ở phụ nữ, nguy cơ còn cao hơn vì khi đến thời kỳ mãn kinh, tốc độ mất xương xảy ra nhanh, trung bình mất từ 2 đến 4% khối lượng xương trong một năm và kéo dài suốt 5 đến 10 năm đầu của thời kỳ này.
Ảnh minh họa: Womenshealth. |
Khác với các trường hợp gãy xương thông thường, gãy xương do loãng xương thường khó hồi phục và dẫn đến nhiều biến chứng phức tạp, thậm chí tử vong. Gãy đốt sống có thể gây nên những cơn đau lưng kéo dài, giảm chiều cao, gù vẹo, biến dạng cơ thể, giảm chức năng tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa, giảm chất lượng sống. Nguy hiểm nhất, gãy xương vùng hông (gãy cổ xương đùi) để lại hậu quả tương đương với biến chứng đột quỵ và nhồi máu cơ tim.
Thống kê cho thấy, 25% người bệnh tử vong trong vòng một năm đầu tiên sau gãy xương vùng hông. 20% cần người trợ giúp suốt cuộc đời còn lại. 30% người bệnh bị tàn phế, phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác. Chỉ 25% có thể hội nhập trở lại với cuộc sống xã hội, nhưng nguy cơ tái gãy xương cao gấp 2,5 lần so với trước.
Để tránh những hậu quả đáng tiếc do loãng xương gây ra, các chuyên gia khuyên phụ nữ cần nhận thức đúng về nguy cơ và hậu quả của loãng xương. Chủ động phòng bệnh loãng xương ngay từ tuổi 30 thông qua các bữa ăn hàng ngày với những thực phẩm giàu canxi và vitamin D như sữa chua, cá hồi, cá ngừ, rau bina, ngũ cốc, nước cam… Đặc biệt phụ nữ sau tuổi 35 nên chú ý bổ sung sữa giàu canxi mỗi ngày kết hợp cùng việc tập thể dục và kiểm tra mật độ xương định kỳ hàng năm sẽ giúp giảm nguy cơ loãng xương.