Home » Khỏe và đẹp » Sự thật về công dụng của các loại hạt ngũ cốc

Sự thật về công dụng của các loại hạt ngũ cốc

“Ăn các loại hạt có thể giảm nguy cơ tái phát ung thư ruột già được không?”, câu hỏi được nhiều bệnh nhân ung thư đặt ra cho chuyên viên dinh dưỡng Fahma Sunarja tại Trung tâm Ung thư Parkway, Singapore. Theo bà Fahma, ngũ cốc chứa nhiều chất có tác dụng phòng chống một số loại ung thư, tuy nhiên phải kiểm soát việc sử dụng chúng.

su-that-ve-cong-dung-cua-cac-loai-hat-ngu-coc

Các loại hạt ngũ cốc. Ảnh: PCC.

Một nghiên cứu trên 826 bệnh nhân ung thư ruột già giai đoạn 3, được công bố bởi Hiệp hội Ung thư lâm sàng Mỹ, cho thấy việc ăn các loại hạt ngũ cốc góp phần tăng tỷ lệ sống còn. 19% bệnh nhân dùng 50 g hạt mỗi tuần. Kết quả ghi nhận 42% số bệnh nhân này giảm nguy cơ tái phát ung thư, 57% giảm nguy cơ tử vong so với bệnh nhân không ăn các loại hạt sau khi hoàn thành điều trị ung thư.

Dù vậy, bà Fahma cho rằng những nghiên cứu về lợi ích của các loại hạt như trên chưa hoàn toàn thuyết phục. Lý do, hiện chưa thể đặt thiết bị theo dõi tác động của các loại hạt đến tế bào ung thư nên không thể khẳng định loại hạt này đã giúp đẩy lùi bệnh như thế nào. Hơn nữa, có thể những bệnh nhân tham gia nghiên cứu thuộc nhóm sử dụng hạt mỗi ngày có ý thức giữ gìn sức khỏe tốt hơn, tương tác tốt hơn với dịch vụ y tế và thói quen sinh hoạt lành mạnh hơn, nên sống thọ hơn và giảm nguy cơ tái phát ung thư.

Mặt khác, bà Fahma khuyến cáo các loại hạt rất giàu chất béo và cao năng lượng. Do vậy trước khi mua một gói hạt để nhấm nháp, bạn hãy cân nhắc đến lượng calo thực tế của chúng. Cụ thể, mỗi khẩu phần hạt khoảng 28,4 g chứa lượng calo như sau:

Hạt

Số lượng hạt tương đương tổng năng lượng (kcals)

Hạt điều

18

157

Hạt hồ trăn

50

159

Hạnh nhân

22

163

Dâm hạch

21

183

Óc chó

14 hạt rưỡi

185

Thông

167

191

Hồ đào

19 hạt rưỡi

196

Hạt maca

10

204

Tổng năng lượng trong một khẩu phần hạt được khuyến cáo sử dụng cho mỗi người.

Bà Fahma nhìn nhận, phần lớn chất béo trong các loại hạt là chất béo lành mạnh. Ví dụ, hạt ngũ cốc có hàm lượng chất béo không bão hòa dạng đơn thể, rất có lợi cho sức khỏe, giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Chất béo trong các loại hạt còn góp phần giảm bớt đau đớn và cứng khớp ở những người bị viêm khớp dạng thấp.

Nghiên cứu cho thấy hạt ngũ cốc giàu axit béo omega-3 có lợi cho tim mạch. Tất cả loại hạt chứa chất xơ, giúp giảm cholesterol, bạn cảm thấy no hơn trong một khoảng thời gian dài. Vitamin E và L-arginine được tìm thấy trong hầu hết loại hạt có thể ngăn ngừa sự hình thành mảng bám trong động mạch. Một số loại hạt cũng có sterols thực vật, giúp giảm cholesterol máu.

Bà Fahma lưu ý ngũ cốc cũng nhiều calo nên người dùng cần kiểm soát lượng tiêu thụ. Lý tưởng nhất là sử dụng hạt ngũ cốc thay thế cho các chất béo bão hòa từ thịt và các sản phẩm từ sữa.

Nên ăn bao nhiêu hạt ngũ cốc là đủ? Bà Fahma cho rằng tốt nhất nên kết hợp các loại hạt vào chế độ ăn uống hàng ngày bằng cách thay thế đồ ăn nhẹ thông thường với một khẩu phần hạt. Bạn cũng có thể bổ sung các loại hạt vào món ăn nấu tại nhà. 

Lưu ý: Lợi ích của các loại hạt có thể mất đi nếu được nấu chín trong dầu hoặc phủ mật ong, đường, chocolate. Những người bị dị ứng với hạt cũng nên có biện pháp phòng ngừa hoặc trao đổi trước với bác sĩ, một số trường hợp dị ứng nặng nên tránh dùng.. 

Những người thích dùng bơ và dầu đậu phộng, bà Fahma khuyên nên tự làm ở nhà hơn là mua sản phẩm chế biến sẵn. Các loại bơ lạc mua từ cửa hàng có thể chứa hàm lượng cao muối và đường nên không mang lại lợi ích cho sức khỏe. Dầu hạt cũng giàu dinh dưỡng nhưng thiếu chất xơ, có thể sử dụng để trộn salad hoặc nấu ăn song đừng chiên với nhiệt độ quá nóng vì chúng có thể chuyển thành vị đắng. Nên sử dụng dầu hạt ở mức vừa phải vì chứa hàm lượng cao chất béo và calo.

Trần Ngoan