Hai gia đình đổi thận cứu con trong ca ghép chéo đầu tiên Việt Nam
Ngày 11/1, y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) lần đầu thực hiện thành công ca ghép thận trao đổi chéo, cứu sống hai cô gái được cha mẹ mình hiến thận.
Bệnh nhân đầu tiên là cô gái Kiên Giang bị suy thận mạn giai đoạn cuối, người duy nhất trong gia đình có đủ điều kiện để hiến thận là bố dượng. Tuy có cùng nhóm máu B, tương đối hòa hợp miễn dịch nhưng bệnh nhân lại có một kháng thể kháng lại HLA của bố dượng, nếu tiến hành ghép rất nguy hiểm.
Bệnh nhân thứ hai là cô gái 32 tuổi ở Đăk Nông, bị suy thận mạn giai đoạn cuối và được mẹ ruột hiến thận. Dù mẹ con có cùng nhóm máu nhưng có một kháng thể dương tính với nhau, không thể tiến hành ghép.
Cả hai cặp đều có cùng nhóm máu B, sau khi được các bác sĩ giải thích đã đồng ý trao đổi chéo cho nhau. Người bố dượng của cặp thứ nhất tặng thận cho con gái của cặp thứ hai và ngược lại. Khi hoán đổi chéo nhau, kháng thể không chống kháng nguyên người cho, hòa hợp về mặt miễn dịch.
Sau ca mổ ghép chéo, cả hai bệnh nhân chấm dứt những tháng ngày gắn liền bệnh viện và tuần 3 buổi chạy thận nhân tạo, hồi phục để trở về cuộc sống đời thường với thiên chức làm vợ, làm mẹ.
Đây là lần đầu Việt Nam thực hiện ghép thận trao đổi chéo thành công. Ghép thận đổi chéo đầu tiên triển khai trên thế giới vào 1991 tại Hàn Quốc và hiện nhiều nước đã ứng dụng.
Ghép phổi thành công từ người hiến tặng còn sống
Bệnh nhi 7 tuổi ở Hà Giang bị giãn phế quản bẩm sinh, suy hô hấp, được bố 28 tuổi và bác ruột 30 tuổi mỗi người tặng một phần phổi để tạo thành hai lá phổi cho con. Ca ghép diễn ra ngày 21/2, do các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản thực hiện.
Ghép phổi là một trong những cuộc ghép rất khó, không giống các tạng khác. Một trong những điều quan trọng với thành công của ca phép là chọn phổi khỏe để ghép. Rất may trong ca ghép này, tỷ lệ hòa hợp rất cao. Các bác sĩ đã cắt lấy thùy phổi dưới của người tặng để thay thế cả 2 lá phổi cho trẻ.
Trước đó Bệnh viện Trung ương Huế tiến hành ghép khối tim – phổi cho một bệnh nhân nam 40 tuổi. Ca ghép không thành công, bệnh nhân qua đời sau 5 ngày được ghép. Người này được ghép khối tim phổi nhận hiến tặng từ một bệnh nhân bị chết não ở Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM.
Ghép tim từ người lớn sang trẻ em
Cậu bé 10 tuổi Nguyễn Thành Đạt mắc bệnh cơ tim giãn, tim yếu dần đến lúc ngừng hoàn toàn, không còn giải pháp nào khác ngoài ghép tim. Trong thời gian chờ đợi tim để ghép, sự sống của bé được duy trì nhờ thuốc và máy móc hỗ trợ nhưng cũng không thể kéo dài quá lâu.
May mắn 20 ngày sau đó có một thanh niên 19 tuổi chết não hiến tạng với thông tin sinh học cơ bản phù hợp với bé. Nếu không ghép thì rất phí quả tim được hiến, mà ghép sẽ vô cùng khó khăn bởi làm sao để ghép vừa quả tim từ một người trưởng thành nặng hơn 55 kg cho một đứa trẻ 10 tuổi. Các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cuối cùng vẫn quyết định tiến hành ca mổ ghép đầy rủ ro. Ca mổ diễn ra đêm 15/3 và là ca ghép tim với thời gian phẫu thuật dài nhất mà các bác sĩ tại đây thực hiện.
Trái tim được ghép co bóp tốt trong cơ thể bé Đạt. Ảnh: N.Phương. |
Các bác sĩ phải cùng suy nghĩ, thiết kế mô hình, bàn bạc để làm sao ghép vừa quả tim người lớn vào lồng ngực em bé. Khi đó bé Đạt rất gầy, nặng 21 kg, thể trạng hom hem, người đầy vết kim, tiên lượng thời gian sống chỉ tính bằng ngày. Đây là bệnh nhi nhỏ tuổi nhất Việt Nam được ghép tim từ một người lớn đã chết não.
Thế giới ghi nhận ca ghép tim có độ vênh nhau lớn nhất giữa cân nặng, kích thước của người cho và nhận là 3,4 lần; trung bình 1,5-2 lần. Trường hợp bé Đạt kích thước quả tim vênh đến 2,7 lần. Rất may sự chuẩn bị kỹ càng của các bác sĩ đã giúp ca mổ ghép thành công, quả tim ấy đã đập được trong lồng ngực cháu bé.
Tế bào gốc từ Đài Loan về Việt Nam cứu chàng trai ung thư
Nam bệnh nhân 25 tuổi chẩn đoán bệnh bạch cầu mạn dòng tủy mono bào (JMML) vào tháng 5/2017. Đây là bệnh máu ác tính hiếm gặp, tiên lượng rất xấu, thời gian sống trung bình 20-30 tháng. Ghép tế bào gốc là phương pháp duy nhất có thể chữa khỏi bệnh. Tuy nhiên xét nghiệm HLA của người chị gái duy nhất kết quả lại không phù hợp.
Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM đã gửi mẫu của bệnh nhân để tìm người hiến tế bào gốc không cùng huyết thống tại Trung tâm Tzu Chi, Đài Loan. May mắn sau 6 tuần rà soát, ngân hàng tế bào từ Đài Loan báo có người cho phù hợp HLA 10/10. Người hiến tặng thiện nguyện là nam giới 37 tuổi, cùng cân nặng 79 kg và cùng nhóm máu A với bệnh nhân.
Các bác sĩ bắt đầu gấp rút bước vào hành trình tiếp nhận tế bào cho ca ghép xuyên biên giới đầu tiên. Nửa đêm 20/9, túi tế bào gốc từ Đài Loan vượt chặng đường 15 giờ về đến TP HCM để ghép cho chàng trai ung thư máu, đánh dấu ca ghép tế bào gốc tạo máu từ máu ngoại vi không cùng huyết thống đầu tiên Việt Nam. Thành công của ca ghép mở ra cơ hội hợp tác với các ngân hàng tế bào gốc trên thế giới để tìm nguồn hiến phù hợp cho người Việt, tạo nền tảng thành lập hệ thống hiến tế bào gốc quốc gia.