Từ tháng 5 đến tháng 6/2017, các nhà nghiên cứu Viện Pasteur TP HCM thu thập ngẫu nhiên 48 mẫu ớt khô tại các chợ và tiệm tạp hóa trên địa bàn 5 tỉnh phía Nam gồm Vũng Tàu, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai và TP HCM. 45 mẫu không có bao gói và xuất xứ rõ ràng. Ba mẫu có bao gói nhưng là sản phẩm sản xuất theo quy trình thủ công.
Kết quả kiểm nghiệm cho thấy 48 mẫu ớt khô đều có sự hiện diện của vi nấm aflatoxin. Trong đó cả 48 mẫu đều nhiễm aflatoxin B1, 35 mẫu nhiễm aflatoxin B2, 11 mẫu nhiễm aflatoxin G1.
Aflatoxin là một nhóm các chất chuyển hóa của vi nấm, có độc tính cao và gây ung thư. Tổ chức Nghiên cứu Ung thư quốc tế IARC đã xếp loại aflatoxin B1 vào nhóm tác nhân gây ung thư cho người.
Ớt có tần suất nhiễm nấm mốc cao. |
Ớt khô là loại gia vị phổ biến trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đồng thời là vị thuốc quý. Tính cay nồng và nóng của ớt có tác dụng chữa đau bụng, giúp hệ tiêu hóa tốt hơn, ăn ngon miệng hơn. Ớt có thể được sử dụng trực tiếp hoặc chế biến thành ớt khô.
Aflatoxin được tìm thấy trong rất nhiều loại nông sản và thực phẩm như ngũ cốc, thảo dược, trái cây khô, các loại gia vị… Đặc biệt ớt có tần suất nhiễm nấm mốc cao nhất. Các nghiên cứu trên thế giới cũng cho thấy tình trạng nhiễm aflatoxin trong ớt khô. Nhiễm nấm mốc có thể xảy ra trong quá trình thu hoạch phơi sấy, chế biến và bảo quản ớt. Điều này làm tăng nguy cơ hình thành độc tố vi nấm aflatoxin trên ớt khô và ảnh hướng sức khỏe người dùng.
Theo các nhà nghiên cứu Viện Pasteur TP HCM, kết quả khảo sát này chỉ bước đầu tập trung vào ớt khô dạng bột vì đây là dạng nguyên liệu dễ sử dụng. Để tiếp tục đánh giá tình trạng nhiễm aflatoxin trên ớt, cần có một chương trình giám sát aflatoxin trong mẫu ớt khô cả dạng nguyên quả và dạng bột.
Ớt tươi cần được kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, xây dựng quy trình thu hoạch, chế biến, vận chuyển và bảo quản phù hợp để giảm nguy cơ nhiễm nấm mốc cũng như giảm hàm lượng aflatoxin, đảm bảo sức khỏe cho người dùng. Các các cơ quan y tế công cộng cần tăng cường giám sát hàm lượng độc tố aflatoxin trong ớt nhằm đảm bảo chất lượng thực phẩm sử dụng hàng ngày.