6 năm trước, người phụ nữ quê Bến Tre đã phẫu thuật cắt ruột non hoại tử vì có nhiều polyp phát triển gây lồng ruột. Gần đây chị đến Bệnh viện Bình Dân (TP HCM) thăm khám vì có nhiều nốt sắc tố sẫm màu rải rác ở vùng niêm mạc má, môi. Bệnh nhân cho biết bố cô cũng có các nốt tương tự.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc hội chứng Peutz-Jeghers. Đây là một hội chứng hiếm gặp, tần suất khoảng 1/50.000 -1/200.000 người, có yếu tố di truyền. Người mắc hội chứng này có nguy cơ phát triển các khối bướu ở ống tiêu hóa, vú… và khả năng biến chứng thành ung thư. Khoảng 95% bệnh nhân có dấu hiệu điển hình là các nốt sắc tố sậm màu rải rác trên môi, niêm mạc má…
Lần này bệnh nhân có 5 polyp ở ruột non với kích thước lớn nhỏ khác nhau. Bệnh nhân được CT Scan bụng và nội soi viên nang có đầu camera siêu nhỏ để quan sát các sang thương bên trong lòng ống tiêu hóa.
Các bác sĩ phẫu thuật ngoại tiêu hóa đã mở hỗng tràng bệnh nhân để cắt polyp lớn và khâu nối ống tiêu hóa. Bên cạnh đó nhóm bác sĩ nội soi tiêu hóa cũng phối hợp để áp dụng kỹ thuật nội soi trong lúc mổ giúp đánh giá các thương tổn đường tiêu hóa, đặc biệt đã cắt được các polyp nhỏ bằng nội soi mà không phải mổ mở ruột nhiều vị trí.
Tiến sĩ Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc Bệnh viện Bình Dân cho biết sự phối hợp nhịp nhàng của các bác sĩ phẫu thuật và nội soi tiêu hóa đã giúp người bệnh loại bỏ thành công toàn bộ polyp, bảo tồn được ruột non vốn chỉ còn 1,5m sau lần phẫu thuật trước. May mắn kết quả giải phẫu bệnh của người bệnh là lành tính.
Bác sĩ Nguyễn Tạ Quyết, Khoa Ngoại Tổng quát 4 cho biết theo các báo cáo khoa học, hội chứng Peutz-Jeghers có liên quan đến gia tăng nguy cơ ung thư vú (54%), ung thư đại tràng (39%), ung thư tụy (36%), ung thư dạ dày (29%), ung thư buồng trứng (21%). Người bệnh có hội chứng này cần tầm soát định kỳ theo hướng dẫn, xử lý kịp thời các khối polyp khi còn nhỏ để giảm nguy cơ hóa ung thư, can thiệp nhẹ nhàng thay vì trải qua cuộc mổ lớn.