Home » Khỏe và đẹp » Bệnh viện K muốn lập trung tâm xạ trị ung thư hiện đại

Bệnh viện K muốn lập trung tâm xạ trị ung thư hiện đại

Sau khi hoàn chỉnh, đề án thành lập Trung tâm Xạ trị proton và hạt nặng sẽ được bệnh viện trình Bộ Y tế, Chính phủ. 

Chia sẻ bên lề hội thảo ứng dụng xạ trị proton và hạt nặng trong điều trị ung thư, ngày 18/12, phó giáo sư Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội) cho biết, các phương pháp điều trị ung thư phổ biến hiện nay gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị và chăm sóc giảm nhẹ. Trong xạ trị thì xạ trị proton và hạt nặng là phương pháp tiên tiến và hiện đại, đã phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Tại châu Á, gần đây nhất có Hàn Quốc, Nhật Bản đã áp dụng phương pháp xạ trị này.

phuong-phap-xa-tri-ung-thu-hien-dai-ve-viet-nam

Xạ trị proton và hạt nặng. Ảnh: Tmg.

Theo phó giáo sư Thuấn, phương pháp chữa trị xạ trị bằng ion nặng cho phép diệt những khối u kháng với xạ trị khác như cobalt, gia tốc…, thời gian xạ trị ngắn hơn. Ví dụ một khối u ở phổi xạ trị gia tốc thông thường phải mất 4-5 tuần thì với phương pháp proton hạt nặng, người bệnh chỉ cần xạ một lần (khoảng 10 phút). Vì thế, phương pháp này vừa tăng tỷ lệ chữa khỏi ung thư cho bệnh nhân vừa giúp giảm tải bệnh viện.

Nhiều nghiên cứu, ứng dụng lâm sàng trên thế giới cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân điều trị bằng ion nặng có kích thước khối u giảm hoặc không tăng lên sau ba năm rất khả quan. Ví dụ với ung thư phổi không tế bào nhỏ, tỷ lệ này trên 90%, ung thư gan 80-90%, gần 100% ung thư tiền liệt tuyến. Hiệu quả này giúp kéo dài thời gian sống thêm của bệnh nhân ung thư. Cụ thể, tỷ lệ sống thêm sau ba năm của người bị ung thư phổi giai đoạn 1 và 2 là 86%; ung thư gan là 72%. Khoảng 36% bệnh nhân ung thư tụy sống thêm sau hai năm, ung thư đầu cổ 74%… Phương pháp này áp dụng rất hiệu quả cho điều trị ung thư đầu cổ, tiền liệt tuyến, nhi khoa.

Theo phó giáo sư Thuấn, cản trở lớn nhất trong việc đưa phương pháp này về Việt Nam là chi phí, với khoảng 150 triệu USD cho cả hai hệ thống. Vì thế, bệnh viện sẽ triển khai từng bước một, bắt đầu từ proton, đánh giá hiệu quả, sau đó đến hệ thống ion nặng.

Bệnh viện cũng đưa ra nhiều phương án đầu tư xây dựng: Nhà nước cấp kinh phí hoặc xã hội hóa, mời nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ở nước ngoài, một ca xạ trị bằng phương pháp này giá 20.000-30.000 USD. Phó giáo sư Thuấn hy vọng, bảo hiểm y tế cũng sẽ chi trả một phần chi phí để có nhiều người bệnh ung thư được ứng dụng phương pháp điều trị tiên tiến này.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường, ung thư đang trở thành gánh nặng lớn tại các quốc gia trên thế giới, đặc biệt các nước nghèo, nước đang phát triển. Tại Việt Nam, gánh nặng ung thư ngày càng gia tăng. Ước tính mỗi năm nước ta có hơn 126.000 ca ung thư mới và khoảng 94.000 người tử vong vì ung thư. Phần lớn người bệnh ung thư khám và điều trị ở giai đoạn muộn nên việc điều trị khó khăn và tốn kém. Bên cạnh nâng cao nhận thức cộng đồng về phát hiện sớm và điều trị bệnh thì cũng cần nâng cao chất lượng chuyên môn, áp dụng các trang thiết bị hiện đại, các phương pháp điều trị tiên tiến.

Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong y tế đến năm 2020. Mục tiêu 80% tỉnh, thành trực thuộc Trung ương có cơ sở y học hạt nhân và cơ sở ung bướu có thiết bị xạ trị. Toàn quốc đạt tỷ lệ ít nhất một thiết bị xạ trị và một thiết bị xạ hình trên một triệu dân.