Ngày 25/12, phó giáo sư Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) cho biết, các bác sĩ của bệnh viện phối hợp đồng nghiệp Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ghép tim và thận thành công cho ba bệnh nhân từ tạng hiến của một người chết não. Người hiến tạng là một người đàn ông hơn 40 tuổi, chết do chấn thương sọ não sau tai nạn giao thông. Gia đình đã đồng ý hiến đa tạng (tim, gan và thận) của người thân.
Các bác sĩ tiến hành ca ghép tim. Ảnh: Bệnh viện cung cấp. |
Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, các bác sĩ của hai bệnh viện đã phẫu thuật lấy gan, thận, tim của người hiến. Tuy nhiên, do gan người hiến bị xơ nặng nên không có chỉ định ghép gan. Trái tim và một quả thận hiến được nhanh chóng chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để ghép cho hai bệnh nhân. Quả thận còn lại được các bác sĩ Bệnh viện quân đội Trung ương 108 ghép cho bệnh nhân đang điều trị tại viện.
Theo phó giáo sư Ước, khác với hai lần vận chuyển tạng xuyên Việt từ Bệnh viện Chợ Rẫy ra Việt Đức trước đây, lần vận chuyển tạng lần này thuận lợi hơn rất nhiều do khoảng cách giữa hai bệnh viện không quá xa và có thùng đựng tạng chuyên biệt để bảo vệ tạng.
Cả ba ca ghép tạng đều diễn biến thuận lợi, đạt kết quả tốt. Sau một tuần được ghép, hiện các bệnh nhân đã ổn định sức khỏe, tự ngồi dậy, ăn uống được và tiếp tục theo dõi điều trị tích cực.
Hơn 90% ca ghép tạng trên thế giới được lấy từ người cho chết não. Trong khi đó tại Việt Nam, nguồn tạng lấy được từ người cho chết não chỉ chiếm gần 10%, còn lại hơn 90% là từ người cho sống. Nhiều người Việt chưa vượt qua được quan niệm “chết phải toàn thây” nên không đồng ý hiến tạng.
Theo Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, hiện nước ta có hàng chục nghìn người đang cần ghép mô, tạng để duy trì sự sống, song chưa thể thực hiện được vì không có đủ nguồn để ghép. Hơn 6.000 người suy thận đang chờ ghép, trên 300.000 người mù chờ ghép giác mạc, 1.500 người chờ ghép tim. Từ năm 2006 đến nay cả nước có hơn 1.000 người được ghép mô, tạng; trong đó nguồn mô, tạng chủ yếu từ người đang sống, người thân hiến một quả thận, một phần gan. Nguồn tạng từ người cho chết não rất ít.
Người 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ đều có quyền hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc đăng ký hiến tặng mô, tạng tiềm năng (hiến tặng sau khi chết, chết não). Những người cao tuổi có thể hiến tặng một phần mô, tạng và giác mạc sau khi chết, chết não.