Chàng trai trước đó hoàn toàn khỏe mạnh, trừ cảm giác nhức đầu thường xuyên, ngứa da và nổi mề đay. Khám ở nhiều nơi, các bác sĩ chẩn đoán là thiếu máu não cộng thêm căng thẳng trong công việc nên dẫn đến đau đầu, chỉ định uống thuốc, nghỉ ngơi nhiều, tránh stress. Sau đó triệu chứng đau đầu không thuyên giảm mà có xu hướng nặng hơn.
Cách đây vài tháng, Tâm đến bệnh viện một bệnh viện lớn trong tỉnh làm xét nghiệm. Kết quả chụp cộng hưởng từ MRI cho thấy một số vùng não bị tổn thương. Xét nghiệm ký sinh trùng ghi nhận bệnh nhân dương tính với sán chó toxocara. Sán đã xâm nhập lên não và gây tổn thương diện rộng. Bác sĩ cho dùng thuốc tẩy giun liều cao, nhưng do tổn thương não quá nặng, chàng trai không thể qua khỏi.
Trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm sán chó nhất. Ảnh minh họa: Wikihow. |
Theo bác sĩ Võ Hoàng Minh Công, Trưởng khoa Nội Tiêu hóa, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, ngày càng nhiều trường hợp được phát hiện bị nhiễm sán chó toxocara tại Việt Nam. Trong đó nhiều bệnh nhân tử vong do toxocara xâm nhập vào não gây tổn thương hệ thần kinh trung ương.
Bệnh nhân nhiễm sán chó thường có triệu chứng ngứa, nổi mề đay, có thể kèm theo sốt. Loài ký sinh này kích thước nhỏ, có thể di chuyển đến tất cả các cơ quan trong cơ thể. Tùy vào vị trí trú ngụ và số lượng sán hiện diện có thể gây ra triệu chứng tại cơ quan mà chúng ký sinh như mờ mắt, gan to và hoại tử, lách to, triệu chứng hô hấp giống như hen suyễn, viêm cơ tim, viêm thận, tổn thương hệ thần kinh trung ương dẫn đến co giật, triệu chứng tâm thần kinh và bệnh lý ở não.
Sán toxocara ký sinh trong ruột chó, mèo và phát tán ra môi trường chủ yếu thông qua phân của các loài động vật này. Các nghiên cứu cho thấy trẻ em là đối tượng dễ nhiễm loài sán chó nhất do thói quen đùa nghịch với đất cát vốn là nơi phóng uế của chó mèo. Ấu trùng sán xâm nhập vào cơ thể có thể di chuyển theo đường máu đến mọi cơ quan như gan, phổi, hệ thần kinh trung ương…
Sán toxocara không lây từ người sang người. Việc phòng bệnh chủ yếu là:
– Hạn chế tiếp xúc với chó, mèo. Không ôm, hôn hay bồng bế chúng.
– Uống thuốc tẩy giun sán định kỳ 6 tháng một lần.
– Ăn chín, uống sôi. Rửa rau bằng thuốc tím hoặc nước muối.
– Rửa tay với xà phòng sau khi chơi đùa với chó, mèo, nghịch đất cát và trước khi ăn uống.
– Không để trẻ chơi đùa ở nơi có phân chó, mèo. Tốt nhất khi ra ngoài nên đeo khẩu trang để tránh hít phải trứng sán.
– Định kỳ tẩy giun sán cho chó, mèo 6 tháng một lần. Dọn dẹp sạch sẽ nơi chó, mèo nằm. Không để chúng phóng uế bừa bãi. Phân chó, mèo phải được chôn lấp hoặc cho vào túi bọc kín rồi bỏ vào thùng rác.