Ngày 6/2, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) công bố kết quả nghiên cứu về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em – thanh thiếu niên Việt Nam. Nghiên cứu sử dụng hai phương pháp tiếp cận chính là dựa trên tài liệu có sẵn và nghiên cứu định tính.
Nghiên cứu định tính được thực hiện tại 4 tỉnh thành là Hà Nội, TP HCM, Điện Biên, An Giang ở cả nông thôn và thành thị. Độ tuổi nghiên cứu là 11-24, tức nhóm dễ bị tác động nhất bởi những cảm xúc tiêu cực.
Kết quả cho thấy, 8-20% trẻ em và vị thành niên Việt Nam gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần chung, tùy theo tỉnh, giới và đặc điểm người trả lời. Một khảo sát dịch tễ gần đây trên mẫu đại diện quốc gia của 10 trong số 63 tỉnh, thành cho thấy trung bình 12% trẻ em gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần, tương đương hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu về dịch vụ sức khỏe tâm thần.
Các vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến ở trẻ em Việt Nam là hướng nội như lo âu, trầm cảm, sự đơn độc và hướng ngoại như tăng động, giảm chú ý.
“Bố mẹ cứ nghĩ là so sánh em với trẻ khác như tấm gương ấy để em sẽ học tập tốt hơn, thực chất thì chỉ tác động đến lòng tự trọng, cảm giác tổn thương về tâm lý làm em càng học dốt đi”, một em gái 13 tuổi ở Hà Nội chia sẻ với nhóm nghiên cứu.
Theo tiến sĩ Fiona Samuels, đại diện nhóm nghiên cứu, tỷ lệ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần được báo cáo trong các tài liệu sẵn có là tương đối thấp. Các thành viên nghiên cứu cho rằng khó có thể ước lượng chính xác nhưng các vấn đề về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội đang lan rộng, gia tăng, đặc biệt là ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Các yếu tố nguy cơ dẫn đến những vấn đề tâm trí ở trẻ gồm sự cô lập về cảm xúc khiến thanh thiếu niên lựa chọn không chia sẻ cảm xúc với ai; sử dụng quá nhiều với Internet; gia đình quá nghiêm khắc, kỳ vọng cao của cha mẹ, lo sợ bị “la mắng”; áp lực học tập, thiếu sự hỗ trợ, bị bắt nạt, sống xa gia đình…
Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan cho rằng nhiều người dân, trẻ em có biểu hiện rối nhiễu tâm trí như lo âu, trầm cảm, cảm giác bị bỏ rơi do tác động kinh tế xã hội, gia đình chưa quan tâm. Vì thế, cần phát triển các dịch vụ tư vấn tâm lý, dịch vụ hỗ trợ cho người có biểu hiện liên quan sức khỏe tâm thần, phổ biến kiến thức khoa học về hỗ trợ tâm lý.
Ông Friday Nwaigwe, Trưởng Chương trình Vì sự sống còn và phát triển của trẻ em, UNICEF Việt Nam cho biết, các vấn đề về sức khỏe tâm thần xảy ra khi còn nhỏ sẽ làm tốn nhiều chi phí ở tuổi trưởng thành. Nếu không được điều trị, những vấn đề này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển, thành tựu học tập và tiềm năng của các em. Trẻ em bị rối loạn tâm thần phải đối mặt với những thách thức lớn do bị kỳ thị, cô lập và phân biệt đối xử.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, rối loạn tâm thần được định nghĩa là sự kết hợp của những suy nghĩ bất thường, quan niệm, cảm xúc, hành vi và mối quan hệ với người khác. Ngoài những rối loạn về mặt sinh học (chứng trầm cảm, rối loạn tâm thần lưỡng cực, tâm thần phân liệt…), sức khỏe tâm thần cũng có thể bị tác động bởi các yếu tố tâm lý xã hội gây căng thẳng.