Trưa 8/3, vẫn còn 3 người hôn mê do ăn lẩu cá nóc. Ảnh: Cửu Long. |
Trưa 7/3, năm người đàn ông tuổi 34 đến 44 cùng ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, rủ nhau xuống mương bắt một số con cá nóc về nấu lẩu. Gần một tiếng đồng hồ sau khi ăn, cả năm người bị tê cứng tay chân, cứng hàm và lưỡi, không nói chuyện được. Họ được đưa đến bệnh viện huyện ở Hậu Giang cấp cứu, sau đó chuyển lên Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ tối cùng ngày, trong tình trạng nguy kịch.
Bác sĩ Lê Hoàng Phúc, Phó Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, ngưng tim, ngưng thở, huyết áp tuột. Họ được bác sĩ hồi sức tích cực, đặt nội khí quản, cho thở máy. Trưa 8/3, hai bệnh nhân đã hồi tỉnh, ba người còn lại vẫn còn hôn mê phải thở máy.
Bác sĩ Hà Tấn Đức, Phó Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ khuyến cáo người dân không nên chế biến thịt cá nóc làm món ăn. “Cá nóc có độc tố ở ruột gan, trứng và tinh hoàn. Dù có làm sạch cá thì độc tố vẫn còn”, bác sĩ Đức nói.
Theo các chuyên gia, chất độc của cá nóc là tetrodotoxin – một loại độc tố thần kinh thuộc loại cực độc, gấp hơn 1.000 lần so với Cyanua. Bình thường chất này tồn tại trong cá ở dạng tiền độc tố tetrodomin không độc. Khi cá ươn hoặc bị va dập, tiền chất tetrodomin biến đổi thành chất tetrodotoxin gây độc.
Tetrodotoxin không phải là protein, tan trong nước, không bị nhiệt phá hủy, nấu chín hay phơi khô, sấy, độc chất vẫn tồn tại (có thể bị phân hủy trong môi trường kiềm hay acid mạnh). Khi đun sôi ở nhiệt độ 100 độ C trong 6 giờ, độc tố tetrodotoxin mới giảm 50% lượng và chỉ mất đi khi được đun sôi ở 200 độ C trong 10 phút. Do vậy cách nấu nướng, chế biến thông thường không thể làm mất chất độc cá nóc.
Cửu Long