15 năm trước, Bệnh viện Việt Pháp (Hà Nội) bị cách ly, đóng cửa, 65 người nhiễm, 5 y bác sĩ ra đi trong cuộc chiến chống đại dịch SARS.
Buổi sáng đầu tiên của tháng 3 năm 2003, y tá Nguyễn Thị Mến thấy người ớn lạnh, sốt, cơ bắp đau nhức. Chị gọi điện đến bệnh viện xin nghỉ
thì được biết vài đồng nghiệp khác cũng có triệu chứng tương tự. Được kiểm tra, uống thuốc, xông hơi… nhưng bệnh chị càng lúc càng nặng
hơn.
Chiều 5/3, toàn thân chị đau kinh khủng, đã vào viện chụp cả sau lưng nhưng không phát hiện được gì. Linh cảm người làm nghề mách bảo chị có
điều chẳng lành, sợ lây cho chồng, cho con nhỏ nên quyết định nhập viện. Tại đây, chị thấy phòng bên đã có y tá Sinh và Lượng đang nằm.
Y tá
Uyên, trưởng kíp trực, dù cũng rất mệt và đau đớn nhưng vẫn phải chờ để được thay ca.
Những triệu chứng đến với chị Mến và đồng nghiệp từ khi họ tiếp xúc với bệnh nhân người Mỹ gốc Hoa tên Johnny Cheng. Ông này nhập viện Việt Pháp vào ngày
26/2, với các triệu chứng giống cúm nhưng diễn tiến rất lạ, sốt, ho nhiều và khó thở sau khi nhập cảnh được 3 ngày. Ở thời điểm đó, các y bác sĩ đã để ý thấy ông Cheng ho quá nhiều, có lúc ho liên tục trong 40 phút. Họ chẩn đoán rằng ông đã nhiễm cúm gà Hong Kong – và các nhân viên y tế không dùng bất cứ biện pháp phòng ngừa nào.
Vài ngày
sau, tình trạng bệnh nhân nguy kịch được gia đình thuê chuyên cơ đưa về nước, để lại Bệnh viện Việt Pháp một loạt y tá, bác sĩ sốt với
biểu hiện giống Johnny Cheng.
Chị Mến nói, cuộc đời chị chưa bao giờ thấy sợ hãi đến thế.
Cơn đau như mới hôm qua
Hai ngày sau, người y tá được chuyển sang khu cách ly. Cửa sổ được mở tung để hạn chế lây bệnh. Người nhà mang quạt vào thổi vù vù xua virus.
Đêm 8/3 còn kinh khủng hơn. Chị Uyên ho rũ rượi, đi chụp phổi đã trắng xóa. Chị Mến cảm giác mình không thở được, như có người bóp cổ, dìm
xuống đáy sông. Lúc đó chị lại hành kinh, nó không cầm được. Toàn thân đau nhức, người lê lết. “Đêm đó không ai ngủ được, liên tục bấm chuông xin thuốc, xin chăn. Chúng tôi cảm thấy mình như bị tra tấn”.
Ngày 12/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức ra báo động toàn cầu về đại dịch SARS.
Thời điểm ấy, người dân sống ở Hà Nội gặp ai cũng phải dè chừng. Người người bịt khẩu trang kín mít, hạn chế tiếp xúc, trò chuyện. Chưa bao
giờ, đường Phương Mai, trước cổng Bệnh viện Việt Pháp lại vắng vẻ đến vậy. Ngày ấy, nhắc tới Bệnh viện Việt Pháp người ta nghĩ
đến thảm họa diệt vong. Bởi, nơi đó có đại dịch mang tên SARS – bệnh mà cả thế giới đang khiếp sợ.
Ngày 15/3, y tá Lượng là người đầu tiên ra đi, sau đó cứ vài ngày lại có thêm người tử vong. Số người mắc bệnh không ngừng gia tăng. Lúc cao
điểm, có quá nửa nhân viên bệnh viện đổ bệnh. Để bảo vệ sự an toàn của cộng đồng, bệnh viện đã tự cách ly, toàn bộ nhân viên không được về nhà.
Cả nước lo sợ trước đại dịch.
Trong cơn đau đớn tột cùng, chị Mến lờ mờ biết được đoàn cứu trợ từ các nước đã đến. Chị thấy ông Carlo Urbani – đại diện của WHO, ngày đầu
đến vẫn cười đi thăm bệnh nhân. Sang ngày hôm sau, ông hoảng hốt, liên tục gọi điện, liên tục chỉ đạo. Số người nhập viện ngày càng nhiều. Nhiều
người phải thở máy. Rồi chị thiếp đi.
Gần nửa tháng sau, chị Mến tỉnh dậy trong sự vui mừng tột độ của đồng nghiệp. Ai nấy cũng chạy ra ôm hôn, chúc mừng chị. Sau khi tỉnh dậy, nỗi
đau còn khủng khiếp hơn. Vẫn biết đây là tay, chân mình nhưng không sao cử động. Lồng ngực khó thở, đầu đau. Cả đêm chị vật lộn, ước cái chết đến
để giải thoát.
Chị Mến muốn đi thăm Uyên, Lượng, Phương. Chị hỏi han về họ, ai cũng lắc đầu, nói khỏe rồi. Nằm ở giường cả ngày, muốn xem tivi, mọi người
cũng không cho bật lên. Rồi một đêm, chị được xem tivi. Đập vào tai chị khi đó là bản tin đặc biệt về dịch hô hấp cấp. Họ thống kê đến nay có 4
bệnh nhân chết vì SARS. Những cái tên rất quen: đồng nghiệp của chị.
‘Nhà tù’ Việt Pháp
Ngày 26/2/2003, bác sĩ Carlo Urbani đặt chân đến Bệnh viện Việt Pháp (Hà Nội). Ông đã sớm nhận ra sự bất thường và ngay
lập tức cảnh báo cho WHO, đồng thời cùng Bộ Y tế Việt Nam thúc đẩy việc lập hàng rào cách ly ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Dịch khởi phát từ Hong Kong, nhưng ở thời điểm đó các chuyên gia y tế đang nghi là cúm gia cầm. Chỉ trong thời gian ngắn, SARS vượt khỏi biên
giới Hong Kong lan tới 37 quốc gia. Tất cả đều có mối liên quan trực tiếp, gián tiếp với chuyến bay cuối cùng về nước của bệnh nhân Johnny Cheng –
người được xác định là bệnh nhân SARS đầu tiên ở Việt Nam.
Người nhiễm bệnh nhanh chóng suy hô hấp, suy đa phủ tạng và tử vong. Sau khi nhận được sự cảnh báo của bác sĩ Carlo từ Việt Nam, nỗi hoảng
loạn bao trùm thế giới. Ở những quốc gia có dịch SARS, khẩu trang y tế bán chạy nhất, trường học đóng cửa, nhà hàng đóng cửa, các trung tâm mua
sắm vắng hoe, sản xuất bị đình trệ, người nước ngoài bỏ về nước…
Tại Hà Nội, tin người chết, người lây bệnh, tin dịch bùng nổ ra toàn cầu khiến mọi người hãi hùng. Quán xá khu vực này đều hạn chế mở cửa,
không ai bán đồ ăn cho bệnh viện. Lãnh đạo bệnh viện phải liên hệ nhờ những khách sạn lớn viện trợ thức ăn với một điều kiện không được tiết lộ
tên khách sạn.
Bị cô lập, nhân lực và trang thiết bị không đủ cho một tình huống đặc biệt khó khăn mà giới y học chưa hề gặp trước đó, Bệnh viện Việt Pháp đã
phải “mượn trộm” hai chiếc máy thở ở Bệnh viện Bạch Mai. Về sau, Bộ Y tế làm việc với Bạch Mai và chính thức cho Việt Pháp mượn một chiếc máy
nữa.
5 ngày sau, Pháp cử 4 bác sĩ và các kỹ thuật viên cùng 5 chiếc máy thở sang. Bệnh viện Việt Pháp như người sắp chết đuối vớ được cọc. Những
ngày tiếp theo, Bộ Y tế chỉ đạo chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Nhiệt đới, gánh nặng cũng bớt đi.
Bệnh viện Việt Pháp như một nhà tù giam lỏng bệnh nhân và các y bác sĩ. Cảnh thường thấy ở bệnh viện khi đó là những bệnh nhân tập thổi bóng
bay, chạy uỳnh uỵch buổi sáng. Không phải là trò thư giãn, mà là biện pháp tập thở để tránh nguy cơ xẹp phổi.
Lúc bệnh nhân được chuyển hết sang Viện Nhiệt đới, nơi này chỉ còn là một màu tang thương. Khắp các hành lang không có một bóng người, vải
trắng bay phất phơ. Bệnh nhân cuối cùng ra đi khiến các bác sĩ bị sốc nặng. Họ âm thầm gói ghém bệnh nhân lại, rải nhiều lớp khử trùng, lặng lẽ
mang xuống Văn Điển hỏa táng trong vội vã.
Dịch SARS đã khiến 44 y tá, bác sĩ của Bệnh viện Việt Pháp lây bệnh, 6 người (trong và ngoài nước) đã chết. Ngoài ra, có 2 người liên quan
cũng tử vong là bệnh nhân Johnny Cheng và bác sĩ Carlo Ubani. Bệnh viện Việt Pháp phải khử trùng, đóng cửa gần nửa năm. Tháng 11 năm đó, bệnh viện
bắt đầu gây dựng lại. “Chúng tôi đi học, dọn dẹp, xây dựng lại bệnh viện từ đống tro tàn”, bác sĩ Nguyễn Ngọc Thọ chia sẻ.
“Trong lịch sử, chưa từng có bệnh viện nào phải chịu tổn thất về người và
của như chúng tôi trong trận dịch SARS”, Giáo sư Đào Xuân Tích – khoa Chấn Thương, bệnh viện Việt Pháp.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương lúc đó là Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới (thuộc Bệnh viện Bạch Mai) là đơn vị thứ hai tham gia
cuộc chiến chống SARS. Ông Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó giám đốc bệnh viện cho hay, họ đã vào cuộc ở giai đoạn dồn dập nhất của dịch khi 10 bệnh
nhân cuối cùng từ Bệnh viện Việt Pháp chuyển sang.
“Chiến trường” của bệnh viện là toàn bộ tầng 2, 3 của tòa nhà 6 tầng. Các bệnh nhân hầu như không nằm thở được, họ phải ngồi gục bên đống chăn
gối để cố thở. Đa phần đều rất lo lắng, hốt hoảng nếu không có nhân viên y tế đứng cạnh. Cứ bỏ mặt nạ thở ôxy ra là bệnh nhân tím tái. Vì thế mỗi
lần ăn, các y tá phải rất kỳ công đứng hàng tiếng mở mặt nạ ra bón một miếng xong lại úp vào. Mọi việc chăm sóc cho bệnh nhân đều do nhân viên thực
hiện, từ việc tắm rửa, gội đầu, đánh răng, thay quần áo…
“Hội chứng này lần đầu xuất hiện, chưa có tiền lệ, cái gì mới cũng khó, chẩn đoán như thế nào, đường lây như thế nào… Không biết dựa vào đâu
nên chúng tôi cứ vừa làm vừa mò cách chống dịch”, bác sĩ Hà nói, lúc ấy ông là trưởng phòng cấp cứu, đơn vị trực tiếp điều trị bệnh nhân
SARS.
Theo bác sĩ Hà, quyết định mở cửa thông thoáng buồng bệnh là yếu tố quan trọng giúp giảm dịch. Ý nghĩ này xuất phát khi ông được mời sang Bệnh
viện Việt Pháp hội chẩn, thấy nơi này đóng kín toàn bộ các cửa, một số chỗ dùng điều hòa.
“Lúc đấy tôi nghĩ ‘mình mà làm thế này thì gay lắm, bức
bách, khó chịu, bí, thiếu sự lưu thông khí’. Vì thế, khi tiếp nhận ca bệnh đầu tiên, chúng tôi đã thống nhất cứ mở thông thoáng buồng bệnh”.
Một vài chuyên gia WHO cũng khuyên nên đóng hết các cửa phòng bệnh. “Chúng tôi nhận định bất kỳ bệnh truyền nhiễm nào cũng có một ngưỡng nồng
độ mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể thì mới nhiễm. Khi mở cửa thông thoáng, nồng độ virus được phân tán ra không trung, gió thổi bay, bị loãng đi.
Cách làm này lại hiệu quả, suốt 2 tuần không nhân viên nào bị sốt, nhiễm trùng hô hấp”, bác sĩ Hà cho hay.
Với bệnh nhân SARS, mấu chốt là hỗ trợ hô hấp tốt nhất. Nhưng trong điều kiện ngành y lúc đó thì yêu cầu này rất khó
khăn. Không có máy thở, đến khi có lại không phải máy chuyên dụng để thở không xâm nhập, nên phải sáng tạo khi sử dụng. “Chúng tôi tìm dụng cụ về
chế thành mặt nạ, cắt dây cao su săm xe đạp, đục lỗ, móc rồi chụp vào. Mặt nạ không có thì lấy đâu khẩu trang N95”, bác sĩ Hà nói. Vài ngày sau họ
mới có đủ trang bị y tế cần thiết.
Hơn một tháng sau, khi bác sĩ Carlo Urbani cũng được xác định lây nhiễm SARS trong khi đi dự hội nghị khoa học ở Thái Lan.
Trước khi qua đời, người đàn ông có 3 con nhỏ đã đề nghị các bác sĩ cắt lá phổi của mình để lại làm tiêu bản nghiên cứu. Sau khi Carlo mất 2 tuần, virus Corona đã được chỉ mặt vạch tên.
Từ đó, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương kết hợp với Viện Y học nhiệt đới cùng chống dịch ngay ở các cửa khẩu biên
giới, sân bay… Chính phủ đầu tư hàng trăm tỷ đồng mua thêm trang thiết bị, máy thở, máy đo nhiệt độ…
Người trở về từ cõi chết
Những ngày này, y tá Mến lại đau đáu nghĩ đến đồng nghiệp, bệnh viện của mình năm ấy.
Sự dày vò của bệnh tật cộng thêm cái chết của nhiều đồng nghiệp khác khiến y tá Mến bị stress nặng. May mắn sống sót sau đại dịch nhưng
căn bệnh đã để lại nhiều di chứng cho chị. Một tháng sau khi ra viện chị vẫn không thở được. Đêm không thể ngủ, người đau, chân phải không cử
động. Hằng ngày đều có các bác sĩ thần kinh, châm cứu, bấm huyệt, vật lý trị liệu đến khám. Đầu chị vẫn mất một mảng tóc do nằm lâu, vẫn còn sẹo
ở cổ do mở nội khí quản, mũi chị một bên to, bên nhỏ do đặt ống thở.
Chị kiên trì luyện tập, ai mách ở đâu là đi bấm huyệt ở đó. Lúc bệnh viện mở cửa trở lại, chị được động viên đi làm cho khuây khỏa. Phải một
thời gian rất lâu sau đó chị mới có thể thở được bình thường, đôi chân đỡ hơn, rồi đi làm trở lại.
15 năm rồi, bệnh SARS chỉ còn trong trí nhớ mọi người nhưng với y tá Mến, hằng ngày đều đang phải đấu tranh với nó. Chị làm việc
không mệt mỏi vì chị biết được sống quý giá thế nào. “Tôi vẫn phải kiên trì luyện tập đôi chân, mỗi ngày đi làm bằng xe đạp”, y tá Nguyễn Thị Mến
nói.
Cũng thoát chết sau đại dịch, đến bây giờ, mỗi ngày ông Nguyễn Hữu Hùng vẫn thầm cảm ơn các y bác sĩ đã tận tâm
cứu chữa. Hai tháng nằm viện vật lộn chiến đấu với thần chết mang tên SARS, người đàn ông năm ấy 56 tuổi mới biết sự sống và cái chết mong manh đến nhường nào.
“Bụng đau như cắt, từng thớ cơ trên người như bị giằng xé, đầu muốn nổ tung trong trạng
thái mơ mơ tỉnh tỉnh. Nhiều lúc ngực thắt lại như bị ai đó chụp một bao nylon vào đầu và siết chặt lại, không có không khí để thở” là những gì mà ông Hùng cũng như nhiều bệnh nhân năm ấy phải trải qua.
Vô tình trong chuyến xe vào đầu tháng 3 năm ấy, ông Hùng cùng vợ, cô em họ và người tài xế bị lây bệnh từ người chú ruột của ông – vốn là một
bác sĩ Việt kiều đã tình nguyện về Bệnh viện Việt Pháp nhiễm virus SARS mà không hề biết.
Bốn người
sau đó đã nhập Bệnh viện Việt Pháp điều trị. Thời điểm đó, bệnh viện này đã đóng cửa, cách ly khi có hàng chục bệnh nhân mắc SARS, trong đó có
nhiều các y, bác sĩ của viện.
Cho đến khi Bộ Y tế có quyết định đóng cửa bệnh viện, chuyển toàn bộ bệnh nhân sang Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới nay là Bệnh viện
Bệnh Nhiệt đới Trung ương, ông Hùng cùng 9 người nữa được chuyển viện. Riêng chú ông ở lại, sau đó đã không thể qua khỏi.
Ngày có quyết định chuyển bệnh nhân đi, ông Hùng vẫn nhớ sáng sớm có hai bác sĩ nước ngoài khám, thảo luận với nhau “nếu chiều ôxy không tăng
lên thì sẽ phải mở nội khí quản, thở máy”. Cũng là một người có kiến thức về y học, ông biết nếu mở khí quản sẽ rất nguy hiểm nên dù đang trong
trạng thái gần như mất khả năng sáng suốt ông vẫn nói một cách yếu ớt không đồng ý mở khí quản.
Đến giờ nghĩ lại ông thấy đó là sự may mắn. Khi sang Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới, các bác sĩ cũng không mở nội khí quản. Sau này,
ông nghe bác sĩ kể lại về lý thuyết với trường hợp của ông sẽ phải điều trị mở nội khí quản nhưng nếu vậy tỷ lệ cứu sống thấp, tỷ lệ sống bị di
chứng cũng rất lớn. Vì thế, họ đã quyết định cho các bệnh nhân thở máy không xâm nhập, không có thiết bị chuyên dụng, họ tìm dụng cụ về chế thành
mặt nạ, cắt dây cao su săm xe đạp, đục lỗ, móc rồi chụp vào. Mặt nạ thở không có thì lấy khẩu trang N95.
Ngày 29/4/2003, sau hơn 10 ngày không còn bị sốt, các bác sĩ quyết định cho ông xuất viện. Phải hơn 6 tháng dưỡng bệnh tại nhà, ông vẫn phải
tiếp tục tập thở, tập vận động mỗi ngày để dần bình phục.
Trong câu chuyện của mình ông nhắc đến tên bác sĩ Minh Hà, bác sĩ Hồng Hà, điều dưỡng Dung, bác sĩ Đức, bác sĩ Vân với sự xúc động, biết ơn từ
trong tâm cam. Giờ đây, ông vẫn giữ liên lạc với những y bác sĩ ngày đó.
Bài học cho Việt Nam
Là một trong 25 nước hứng chịu dịch bệnh với 65 người bị nhiễm, 5 người tử vong, nhưng ngày 28/4/2003, Việt Nam được WHO công nhận là nước đầu tiên khống chế được đại dịch, kết thúc chuỗi 45 ngày kinh hoàng chống SARS.
Chỉ trong một thời gian ngắn, SARS đã lây lan ra 32 quốc gia, hơn 8.000 người mắc và 916 người tử vong. Trong số 63 bệnh nhân SARS tại Việt Nam thì có đến quá
nửa là bác sĩ, y tá, nhân viên tế trực tiếp chăm sóc bệnh nhân.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà tin rằng, điểm quan trọng trong công tác phòng chống dịch SARS năm 2003 là
sự phối hợp tốt của cả cộng đồng, giúp nhanh chóng tìm ra nguyên nhân. Trên thế giới có những vụ dịch vài ba thế kỷ cũng chưa biết căn nguyên là
gì, trong khi từ lúc công bố bệnh lạ đến lúc tìm ra virus SARS chỉ hơn một tháng.
Cũng theo bác sĩ Hà, từ sau dịch SARS, Việt Nam bắt đầu phát triển hệ thống các phòng thí nghiệm, rồi các phương tiện điều trị, hỗ trợ ngày
một đầy đủ hơn, trình độ hồi sức cũng được nâng lên…
Hệ thống giám sát phòng dịch được xây dựng từ trung ương đến địa phương, chỉ cần thông báo
có một ca bệnh nguy hiểm là ngay lập tức có người đến điều tra, giám sát những người tiếp xúc với ca bệnh.
Những ký ức sau 15 năm không hề phai trong lòng người bệnh và cả các y bác sỹ. “Làm sao quên được những lúc, hầu như mỗi ngày, được tắm gội đầu ngay tại trên giường bệnh với một đống dây dợ trên mình xông từ mũi, từ ống truyền dịch, từ ống thở oxy… Chưa kể đến trong những đêm khuya, vừa bị những cơn ho dữ dội tấn công thì đã thấy một bác sĩ ngay bên cạnh mình, nhiều lúc bác sĩ không kịp mang cả găng tay, giúp đỡ chữa trị”, ông Hùng rưng rưng nhớ về kỷ niệm với các y bác sĩ – những ân nhân của ông – trong tháng ngày kinh hoàng ấy.
Kể từ năm 2004, không có thêm ca mắc SARS nào mới được ghi nhận trên thế giới. Căn bệnh đã lùi vào quá khứ, nhưng những bài học đắt giá nó để lại, tạo thành một hệ thống cảnh báo mà người ta có thể bắt gặp ở bất kỳ đâu tại châu Á tới tận hôm nay. Những chiếc camera ghi nhận nhiệt độ cơ thể tại sân bay – phát hiện người sốt; những tay vịn thang máy ở Hong Kong thậm chí giờ còn tráng cả lớp chống vi khuẩn; những chiếc khẩu trang khi nhiễm cúm đã trở thành ý thức của mọi người.
Và ở Việt Pháp, hay là với ngành y tế Việt Nam nói chung, là một sự cẩn trọng cao độ với bệnh lạ. “Điều này sẽ luôn nhắc nhở ngành y và xã hội đề cao cảnh giác với những bệnh lạ mới phát sinh để có những biện pháp phòng chống dập dịch kịp thời”, thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nói trong dịp kỷ niệm 10 năm đại dịch SARS, 2013.