Giáo sư Nguyễn Đức Công, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất cho biết, khóa tập huấn từ ngày 26 đến 30/3 nằm trong chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Áo giúp tăng cường hiệu quả trong phục hồi chức năng thần kinh cho bệnh nhân sau đột quỵ tại Việt Nam.
Bệnh nhân đột quỵ khi ra viện thường thiếu hoặc không biết tiếp tục tập luyện ở đâu, như thế nào để điều trị phục hồi chức năng, sớm trở về cuộc sống bình thường. Phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ tại Việt Nam hiện vẫn chưa được thực hiện một cách thường quy, không thống nhất về phương pháp.
Bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất giả làm bệnh nhân để thực hành trong khóa tập huấn. Ảnh: Lê Phương. |
Đột quỵ não là một nhóm bệnh gây tử vong và tàn tật hàng đầu trên thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 8-12% bệnh nhân bị nhồi máu não và 37-38% xuất huyết não dẫn đến tử vong trong vòng 30 ngày. Hơn 30% bệnh nhân đột qụy bị tàn tật và hoàn toàn phụ thuộc, 30% phụ thuộc một phần, 50% không hồi phục chức năng tay.
Ở Việt Nam, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ đang gia tăng ở mức đáng lo ngại đối với cả hai giới nam và nữ ở các lứa tuổi. Hàng năm có khoảng 230.000 bệnh nhân mới. Hiện nay nhờ hệ thống các trung tâm và đơn vị đột quỵ được thành lập với các phương pháp can thiệp điều trị tiên tiến được áp dụng ngay trong những giờ đầu nên nhiều bệnh nhân đột quỵ được cứu sống.
Mặc dù vậy số lượng bệnh nhân bị tàn tật do đột quỵ lại có xu hướng tăng mạnh, chiếm 90%, với nhiều di chứng nặng nề như liệt nửa người, rối loạn nuốt, thất ngôn, viêm phổi, co cứng, suy giảm trí nhớ, trầm cảm, loét tỳ đè… Trong số đó chỉ 25-30% tự đi lại phục vụ bản thân, 20-25% đi lại khó khăn và cần sự hỗ trợ của người khác trong sinh hoạt hàng ngày, 15-25% phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác.