Home » Khỏe và đẹp » Bé trai bị nhiễm khuẩn tụ cầu vàng sau cú ngã xe đạp

Bé trai bị nhiễm khuẩn tụ cầu vàng sau cú ngã xe đạp

Bé ở Bạc Liêu ngã xe đạp bị dập đầu gối, xây xát da chân trái. Chân bé sau đó sưng to dần, đi lại khó khăn, không duỗi được. Bé sốt cao liên tục, gia đình đưa tới bệnh viện địa phương điều trị, sau chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố chiều 6/4. 

Bé vẫn sốt cao, lừ đừ, khó thở, sưng nóng đỏ đau hơn nửa chân trái. Các bác sĩ thăm khám và siêu âm, ghi nhận bị tràn dịch màng tim và tràn mủ khớp gối do nhiễm trùng. Bé ngày càng suy hô hấp, khó thở phải thở máy. Quan sát các vết xước rất nhỏ ở da, bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng vào máu. Trong khi chờ đợi kết quả cấy máu, bệnh nhi được cho dùng kháng sinh nhưng vẫn sốt cao. Kết quả cấy máu mủ khớp gối sau đó ghi nhận bé dương tính với khuẩn tụ cầu vàng Staphylococcus Aureus.

Bệnh nhi được phẫu thuật nội soi lồng ngực để mở cửa sổ màng tim đặt dẫn lưu hút mủ, đồng thời tháo mủ dẫn lưu và bơm rửa liên tục khớp gối trái. Các bác sĩ phải kết hợp các kháng sinh phù hợp để điều trị. Sau hai tuần, sức khỏe bé dần ổn định và thoát khỏi tình trạng nguy kịch, cai máy thở.

Bé trai hiện đang hồi phục sức khỏe, viết thư nhờ điều dưỡng mở cho xem hoạt hình Doraemon. Ảnh bệnh viện cung cấp.

Bé trai hồi phục sức khỏe, đang viết thư nhờ điều dưỡng cho mượn điện thoại để cho xem hoạt hình Doraemon. Ảnh bệnh viện cung cấp.

Tụ cầu vàng gây ra các tổn thương ngoài da như chốc lở, viêm nang lông, các loại mụn nhọt, lở loét da. Có khi khuẩn tạo nên các ổ áp xe dưới da gây đau đớn, sốt, sưng nề xung huyết làm đỏ một vùng da. Khuẩn tụ cầu vàng có thể do môi trường bên ngoài xâm nhập vào cơ thể, cũng có thể do nội sinh. Vi khuẩn tụ cầu vàng thường cư trú trên da song ít gây bệnh. Khi có các vết xước, mụn trên người kèm theo vệ sinh cá nhân không tốt, cơ thể có sức đề kháng yếu thì vi khuẩn dễ dàng xâm nhập gây bệnh.

Biểu hiện nhiễm tụ cầu vàng

Các biểu hiện toàn thân hiếm gặp nhưng nếu các tổn thương lan rộng thì có thể làm người bệnh sốt, mệt mỏi, đau đầu, ăn uống kém.

Các tổn thương chốc lở ngoài da thường không phức tạp. Vi khuẩn xâm nhập vào máu có thể gây ra những bệnh nguy hiểm như viêm phổi, áp xe phổi, viêm tủy xương, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng trong tim, viêm khớp xương mủ cấp, viêm màng não hoặc áp xe não…

Ngoài các tổn thương chủ yếu ở da còn có viêm kết mạc do tụ cầu ở trẻ sơ sinh và người lớn. Mọi lứa tuổi đều có thể gặp nguy hiểm với tụ cầu vàng nếu chủ quan. Trẻ sơ sinh và người mắc bệnh mạn tính là nhóm dễ bị tụ cầu xâm nhập nhất. Ngoài ra những người lạm dụng thuốc kháng sinh, bệnh nhân đái tháo đường, suy thận mạn… cũng dễ nhiễm vi khuẩn này.

Tụ cầu có khả năng kháng lại nhiều loại kháng sinh.

Tụ cầu có khả năng kháng lại nhiều loại kháng sinh.

Lưu ý phòng trị bệnh

Các bác sĩ khuyến cáo, tụ cầu khuẩn là một trong những vi khuẩn có tính kháng kháng sinh rất cao. Việc dùng thuốc cần được tuân theo chỉ định của thầy thuốc, không tự ý bừa bãi để tránh tình trạng kháng kháng sinh. Hiện có ba nhóm kháng sinh chữa vi khuẩn tụ cầu. Nếu cả ba nhóm cũng bị kháng thuốc thì việc điều trị rất tốn kém vì phải kết hợp kháng sinh và có thể gây độc cho bệnh nhân, thậm chí tử vong do không đáp ứng điều trị.

Để phòng bệnh, mọi người cần vệ sinh cá nhân thật tốt bằng cách tắm rửa hằng ngày với nước sạch, nhất là với trẻ sơ sinh bụ bẫm có nhiều nếp kẽ, nếp gấp chứa mồ hôi, bã nhờn.

Mỗi khi ra đường nên đeo khẩu trang để tránh hít phải bụi bẩn. Rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, giữ sạch những vết trầy xước trên da. Ngoài ra cần vệ sinh nhà cửa sạch sẽ.

Không nên coi thường các vết xước tay chân, vết cắt, mụn nhọt gây sưng và mưng mủ. Không tự ý dùng kháng sinh hay thuốc bôi, đắp lá và không được cào xước vùng da bị viêm… Cần trị triệt để các bệnh ngoài da để tránh tụ cầu xâm nhập qua đường máu. Tốt nhất nên đi khám để bác sĩ cho thuốc điều trị thích hợp. Bổ sung vitamin, chế độ ăn nhiều đạm giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

Lê Phương