Bé điều trị tại khoa Truyền Nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội). Mẹ bé cho biết không ngờ con mình mới 6 tháng tuổi đã mắc sởi, trong khi lịch tiêm chủng mũi sởi đầu tiên là khi bé 9 tháng tuổi. Hai ngày trước, con sốt cao, chị đưa đi khám tại một bệnh tư, cho uống thuốc hạ sốt nhưng bệnh không giảm.
Khi con xuất hiện các nốt đỏ ở mặt và vết loét trong khoang miệng, chảy nước mũi và ho nhiều, mẹ đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương để khám. Bác sĩ chẩn đoán bé bị bệnh sởi biến chứng viêm phổi và phải nhập viện điều trị.
Bệnh nhi sởi đang điều trị tại bệnh viện. Ảnh: P.N. |
Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương đang điều trị cho 7 bệnh nhi sởi. Từ đầu năm đến nay có hơn 70 trẻ mắc sởi điều trị tại đây, hơn 85% chưa được tiêm phòng. Trong số bệnh nhi chưa được tiêm phòng có hơn một nửa chưa đến tuổi tiêm.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trẻ bị sởi nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy cấp, viêm não, viêm thanh quản, suy dinh dưỡng nặng… Bệnh thường xảy ra vào mùa đông xuân, gần đây lại xuất hiện quanh năm.
Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp. Bệnh có biểu hiện sốt, viêm long đường hô hấp, đường tiêu hóa và kết mạc mắt kèm nổi ban đặc trưng. Khi bị sởi, đáp ứng miễn dịch của cơ thể giảm sút nên trẻ dễ mắc các biến chứng.
Theo tiến sĩ Lâm, bệnh sởi thường xuất hiện ở trẻ nhỏ, có miễn dịch kém.
Các dấu hiệu điển hình của giai đoạn toàn phát bao gồm nổi ban sẩn, mịn như nhung. Ban xuất hiện theo thứ tự từ đầu, cổ, thân mình rồi đến tay chân và biến mất theo thứ tự đã mọc.
Cách tốt là tiêm văcxin phòng bệnh. Trẻ 9 tháng tuổi tiêm mũi 1 thì hiệu quả bảo vệ đạt 85%. Tiêm mũi 2 khi trẻ 18 tháng tuổi, hiệu quả bảo vệ đến 95%.
Tất cả trẻ đã quá lịch tiêm chủng mà chưa bị mắc sởi thì nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm chủng đầy đủ. Đây cũng là cách để phòng nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.