Đi công tác ra Hà Nội, ngày 9/5 anh Đỗ Mạnh Tuấn 55 tuổi ở Buôn Ma Thuột, một sĩ quan công an thấy bị đau ngực nên vào Bệnh viện 198 khám. Bác sĩ xác định anh có tổn thương 3 thân động mạch vành. Các bác sĩ tiến hành can thiệp nhánh vành phải thành công, sau đó tiếp tục can thiệp đặt stent LAD thì bệnh nhân có dấu hiệu bị lóc tách động mạch chủ ngực. Bệnh nhân được chuyển sang Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E trong tình trạng tối cấp: đau ngực dữ dội, nhịp tim đập nhanh, huyết áp tụt… Siêu âm tim có hình ảnh lóc tách từ xoang động mạch vành trái vào động mạch chủ.
Các bác sĩ chăm sóc hậu phẫu cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp. |
Tối cùng ngày, bác sĩ Nguyễn Công Hựu, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, trên đường về nhà đã nhận được tin về ca cấp cứu nghiêm trọng, nhanh chóng quay lại bệnh viện. Nhận thấy bệnh nhân đang rơi vào tình thế “nghìn cân treo sợi tóc”, bác sĩ Hựu hội chẩn cấp cứu với bác sĩ Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E đang công tác tại Lai Châu. Ngay lập tức một kíp mổ cấp cứu được thành lập.
Chưa đầy một giờ sau khi vào viện, bệnh nhân được đưa vào phòng mổ. Các bác sĩ trong kíp mổ đã phải lên các phương án khác nhau để phòng tình huống xấu nhất.
Bác sĩ Hựu trực tiếp thực hiện ca mổ kéo dài 6 giờ, cho biết đã lấy huyết khối trong thành động mạch chủ bệnh nhân, khâu lại các lớp áo động mạnh chủ, sử dụng keo sinh học, thay đoạn động mạch chủ lên và một phần xoang valsava trái bằng động mạch nhân tạo…
Động mạch chủ là đường dẫn máu chính của cơ thể. Thành động mạch chủ được cấu tạo bởi 3 lớp được gọi là 3 lớp áo: ngoài, giữa và trong. Một trong những bệnh lý nguy hiểm nhất là lóc tác động mạch chủ; lớp áo trong bị xé rách, dòng máu áp lực cao đi vào giữa các lớp làm thành động mạch bị tách làm đôi. Điều này có thể dẫn tới hậu quả vỡ gây tử vong do sốc mất máu; thiếu máu các cơ quan do mảng thành mạch bị tách ra lấp kín các lỗ vào của nhánh mạch nuôi.
Vì thế lóc tách động mạch chủ được coi một “thảm họa” trong các bệnh lý tim mạch.
Hà An