Chiều 16/5, bé đang chơi thì bị chó nhà nuôi cắn vào mặt. Gia đình sơ cứu rồi đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội).
Bác sĩ Đặng Hoàng Thơm, Trưởng khoa Sọ mặt và Tạo hình, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trẻ nhập viện trong tình trạng tỉnh táo, kích thích, đau, hoảng sợ. Vết cắn hở to vùng hàm mặt; tổn thương khoang miệng, dưới mắt; rách môi, mũi; rách cơ môi mặt; vết thương xuyên thấu vào má.
Sau hơn hai giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã tạo hình lại vùng mặt, mắt, mũi, khoang miệng, đặt ống dẫn lưu, khâu phục hồi ống tuyến nước bọt cho cháu bé.Ngày thứ hai sau ca mổ, trẻ đã có thể tự bú sữa và ăn cháo lỏng, được xuất viện.
Theo người nhà, con chó nhà nuôi đã được tiêm phòng bệnh dại. Tuy nhiên, sau khi cắn trẻ, con chó đã chết. Vì thế, trẻ được tiêm văcxin phòng bệnh dại.
Các trường hợp trẻ bị tai nạn do chó cắn vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương khá phổ biến. Bác sĩ khuyến cáo gia đình không nên cho trẻ nhỏ tiếp xúc với vật nuôi, chó mèo. Nếu gia đình nuôi chó thì cố gắng cách ly với trẻ ở khoảng cách an toàn, đặc biệt là chó mới đẻ con, đang ăn, bị thương… Chó ra khỏi nơi nuôi nhốt phải được rọ mõm, tiêm văcxin ngừa bệnh dại định kỳ.
Khi bị chó cắn cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút. Nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch; sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc povidone, iodine. Đưa trẻ đến trung tâm y tế gần nhất để được sơ cấp cứu, tiêm phòng dại kịp thời.
Dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh. Tại Việt Nam, bệnh thường tăng cao vào mùa nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8, gặp ở mọi lứa tuổi. Hầu hết trường hợp tử vong do bệnh dại đều không tiêm văcxin. Bệnh hiện chưa có thuốc đặc trị, có thể phòng bằng văcxin và huyết thanh kháng dại.
Hà An