Tiến sĩ Phạm Văn Bình, Trưởng khoa Ngoại Bụng 1, Bệnh viện K trung ương cơ sở Tân Triều (Hà Nội) cho biết, ung thư đại trực tràng là ung thư đường tiêu hóa thường gặp, xu hướng tăng không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới. Theo Tổ chức Y tế thế giới, ung thư đại trực tràng đứng thứ ba trong số ung thư phổ biến ở nam giới và thứ hai ở nữ. Theo Hội Ung thư Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh này ở đàn ông Việt Nam 13,5 trên 100.000 người; ở nữ là 11,2.
Các chuyên gia ước tính, trong suốt cuộc đời một người đàn ông có 5% nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng và 4% ở nữ giới. Đến nay, các nhà khoa học chưa xác định được nguyên nhân chính gây bệnh, tuy nhiên đã tìm ra một số nhóm yếu tố nguy cơ làm gia tăng bệnh, trong đó có hội chứng di truyền.
Bệnh nhân ung thư đại trực tràng đang điều trị ở bệnh viện. Ảnh: N.P. |
Theo tiến sĩ Bình, trong số ít bệnh ung thư có tính di truyền phải kể đến ung thư đại trực tràng. Khoảng 5% bệnh nhân ung thư đại trực tràng có yếu tố di truyền về gene, với hai hội chứng chính hay gặp. Thứ nhất là hội chứng Lync, tức ung thư đại trực tràng di truyền không phải đa polyp. Hội chứng này là nguyên nhân của 2-4% ca ung thư đại trực tràng, thường do di truyền sự khiếm khuyết ở một gene MNH1 hoặc MSH2… Sự đột biến ở những gene khác cũng có thể gây hội chứng này.
Nhóm thứ hai là hội chứng đa polyp có tính chất gia đình. Nguyên nhân do đột biến gene APC, di truyền từ bố mẹ sang con. Gene APC ức chế sự hình thành của khối u sinh ra ở đại tràng và có sự đột biến. Nó chiếm khoảng 1% ca ung thư đại trực tràng.
Mỗi năm tại Bệnh viện K điều trị 2-3 gia đình có nhiều người cùng mắc ung thư đại trực tràng. Có nhà 9 người con thì đến 7 bị bệnh, như một gia đình ở Hải Dương. Nhà có 9 anh chị em, 4 con trai và 5 con gái thì 7 người mắc ung thư đại tràng. Ngoài người anh cả đã mất từ lâu, những người còn lại đang điều trị định kỳ tại Bệnh viện K. Mẹ của họ qua đời vào năm ngoái cũng do ung thư đại trực tràng.
Tiến sĩ Phạm Văn Bình, Trưởng khoa Ngoại Bụng 1, Bệnh viện K trung ương cơ sở Tân Triều (Hà Nội). Ảnh: N.Phương. |
Theo tiến sĩ Bình, nếu một người mắc hội chứng đa polyp thì hầu hết thành viên trong gia đình đều có nguy cơ mắc bệnh. Do đó khi một người trong gia đình được xác định ung thư đại trực tràng thì cả nhà nên đến viện để tầm soát bệnh.
“Trong nhóm này, đặc điểm tổn thương rất đặc trưng là toàn bộ khung đại trực tràng có hàng nghìn polyp. Có trường hợp toàn bộ đại trực tràng polyp to nhỏ nằm dày đặc như một thảm nhung, chiếm toàn bộ niêm mạc trong lòng ống đại trực tràng”, tiến sĩ Bình nói.
Ung thư có thể xuất hiện một trong các polyp nằm trải dài trên toàn bộ ống niêm mạc đại trực tràng, nguy cơ tất cả polyp đó đều trở thành tế bào ung thư. Người bị đa polyp mang tính chất gia đình, nếu không điều trị theo thời gian đến 40 tuổi thì hầu hết polyp này sẽ phát triển thành ung thư đại trực tràng. Ngoài ra họ còn có nguy cơ mắc một số loại ung thư khác như dạ dày, ruột non, tụy, gan…
Chuyên gia khuyến cáo, polyp được coi là yếu tố tiền ung thư. Do đó khi phát hiện polyp, nên nội soi ống mềm toàn bộ đại trực tràng và sinh thiết xem lành hay ác tính. Trường hợp đã tiến triển thành ung thư thì cần có phương án điều trị.
Để phòng ngừa ung thư đại trực tràng, bác sĩ khuyến cáo mọi người:
– Tăng cường vận động thể chất.
– Hạn chế ăn mỡ, thịt động vật; giảm kcal và chất béo từ 40% xuống 20-25%.
– Tăng cường ăn các chất xơ và hoa quả tươi hằng ngày.
– Hạn chế thức ăn muối, lên men, cá khô, nước tương, thịt xông khói.
– Tránh để những chất gây đột biến gene nhiễm trong thức ăn như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc tăng trọng.
– Hạn chế lạm dụng rượu, bia và các chất lên men khác.