Sau hơn một tháng điều trị tích cực tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), bé gái được gia đình đặt tạm tên Bé đã xuất viện với cân nặng 3,2 kg. Niềm vui không trọn vẹn khi bé đã không còn mẹ nhưng việc bé được sống đã là cả phép màu. Bệnh nhi được bác sĩ mổ cấp cứu lấy thai từ người mẹ mắc tim bẩm sinh bị ngừng tuần hoàn. Khi đó, mẹ mang thai ở tuần thứ 32.
Mẹ bé mắc bệnh tim bẩm sinh, thông liên thất rất rộng, được bác sĩ khuyên không nên có con nhưng vẫn quyết tâm mang thai. Chị cũng không đi khám thai định kỳ, đến khi khó thở mới vào viện trong tình trạng rất nặng. Bệnh nhân điều trị tại Viện tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai, thì bị ngừng tuần hoàn. Đó là thời điểm tính mạng cả mẹ lẫn con đều bị đe dọa nghiêm trọng.
Bệnh nhân suy tim giai đoạn rất muộn, lượng ôxy trong máu rất thấp, lượng ôxy đến thai cũng ít. Khi bệnh nhân ngừng tim thì ôxy cung cấp cho thai nhi càng kém, vì thế các bác sĩ phải tính toán từng giây từng phút sống cho cả mẹ lẫn con. Sản phụ được hồi sinh tim phổi 15 phút mà chưa có kết quả khả quan, sợ thai nhi có thể bị ngạt, các bác sĩ đã quyết định mổ bắt con với hy vọng em bé có thể sống được. Bé chào đời nặng 2 kg, với bệnh lý phức tạp, còn người mẹ khi ấy đã trút hơi thở cuối cùng.
Khi bé được đưa ra khỏi bụng mẹ, các bác sĩ đã vô cùng lo lắng vì trẻ chưa có nhịp tim. Bác sĩ Cao Thị Bích Hảo, khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, người trực tiếp hồi sức tích cực cho bé cho biết, ngay lúc đó ê kíp bác sĩ của khoa đã tiến hành hồi sinh tim phổi: Ép tim, đặt ống bóp bóng qua nội khí quản, bơm adrenalin qua nội khí quản… May mắn sau 2 phút tim bé đã đập trở lại, da dẻ hồng hào hơn, được chuyển về khoa Nhi để hồi sức tiếp.
Bé gái trong vòng tay bà ngoại ngày xuất viện. Ảnh: H.A. |
Trẻ được nuôi dưỡng trong lồng ấp, thở máy nhưng tình trạng vẫn rất nặng. Trong 2 ngày đầu tiên, tình trạng cháu bé hết sức nguy kịch, tiên lượng tử vong cao.
Thực hiện các xét nghiệm, chụp chiếu, các bác sĩ xác định tình trạng trẻ nặng lên là do tăng áp lực động mạch phổi hay bệnh màng trong. Bác sĩ sử dụng thuốc điều trị bệnh lý thiếu hụt chất surfactant cho trẻ, thở máy, dùng thuốc hỗ trợ và nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch. Chỉ sau 2 giờ sử dụng thuốc, tình trạng của trẻ cải thiện rõ. Sau 7 ngày thở máy, bệnh nhi được rút ống nội khí quản và được cho thở ôxy.
“Cháu không may mất mẹ khi vừa đẻ ra, nếu không có các bác sĩ cứu thì cháu không có được như ngày hôm nay. Các cô y tá, điều dưỡng còn đi xin sữa các mẹ khác cho Bé ăn”, bà ngoại trẻ nghẹn ngào nói.
Các bác sĩ khuyến cáo, phụ nữ mắc bệnh tim cần được tư vấn hết sức chi tiết và cụ thể khi lập gia đình, có thai. Trong quá trình mang thai, mẹ nên được theo dõi chặt chẽ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con.
Hà An