Chiều 5/6, phó giáo sư Phan Trọng Lân, Viện trưởng Pasteur TP HCM nhận xét những ngày qua Bệnh viện Từ Dũ phản ứng rất nhanh, kịp thời chặn ổ dịch cúm A/H1N1 không cho lây lan rộng. Hiện vấn đề quan trọng nữa là tránh lây nhiễm virus cho bệnh nhân khác đến Bệnh viện Từ Dũ thăm khám, điều trị và sinh nở. Đặc thù của bệnh viện này là phụ sản, tức bà bầu và trẻ nhỏ mới sinh, cũng là nhóm có nguy cơ cao nhiễm bệnh.
Theo ông Lân, virus cúm tồn tại trong môi trường tối đa 48 giờ. Hiện khoa Nội soi Bệnh viện Từ Dũ – nơi phát sinh ổ dịch H1N1, đã qua thời gian tồn virus cúm, lại được khử khuẩn triệt để nên đã hết nguy cơ. Tuy nhiên bệnh viện cùng Viện Pasteur vẫn cảnh giác, tiếp tục giám sát H1N1 trong 7 ngày nữa. “Đến ngày 9/6 nếu không còn bệnh nhân nào có biểu hiện của cúm thì xem như ổ dịch tại Từ Dũ đã được khống chế triệt để”, phó giáo sư Lân chia sẻ.
Kiểm tra công tác chống dịch cúm H1H1 tại Bệnh viện Từ Dũ. Ảnh: Lê Phương. |
Trong thời gian này, Viện trưởng Pasteur đề nghị Bệnh viện Từ Dũ chủng ngừa cúm cho toàn bộ nhân viên của viện để bảo vệ bệnh nhân là thai phụ và trẻ em. Y bác sĩ của Bệnh viện Từ Dũ nếu bị sốt thì khuyến cáo nên tự cách ly ở nhà 7 ngày. Bệnh viện cũng tăng cường tư vấn các biện pháp phòng ngừa cúm cho thai phụ.
Ngày 1/6, một phụ nữ đến khoa Nội soi Bệnh viện Từ Dũ khám do sốt, ho, đã lây bệnh cho 16 người khác chỉ trong vòng một ngày. Xét nghiệm ngay trong đêm xác định tất cả bệnh nhân này bị cúm A/H1N1. 83 người bao gồm bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân, y bác sĩ ở Bệnh viện Từ Dũ có tiếp xúc gần với những người bệnh đều được cách ly. Khoa Nội soi phải đóng cửa khử khuẩn. Các khu vực khác của Từ Dũ cũng được sát khuẩn cuốn chiếu. Chiều 4/6, khoa Nội soi hoàn tất khử khuẩn đã hoạt động lại.
A/H1N1 là cúm mùa, thường gây sốt ho khoảng một tuần rồi tự khỏi. Bệnh có thể gây nguy hiểm ở một số nhóm như phụ nữ mang thai giữa 12 tuần, người có bệnh mạn tính, trẻ em, người cao tuổi… Người bị cúm nên uống nhiều nước và nghỉ ngơi.