Một bệnh nhân nhận kết quả xét nghiệm viêm gan B cho thấy kháng thể kháng nguyên bề mặt (antiHBs) dương tính > 1.000 UI/mL. Chỉ số này chứng tỏ người bệnh đã được miễn dịch với viêm gan B. Tuy nhiên nhân viên y tế khi đọc kết quả xét nghiệm lại lầm tưởng chỉ số dương tính cao là bệnh nặng. Nhầm lẫn này dẫn đến chẩn đoán bệnh của bệnh nhân sai lệch thành bị viêm gan B. Người bệnh hoang mang lo lắng, phải trải qua quá trình điều trị oan uổng và tốn kém.
Theo bác sĩ Bùi Hữu Hoàng, Trưởng Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, trên thực tế chính trình độ và kinh nghiệm yếu kém của nhân viên y tế chịu trách nhiệm đọc kết quả xét nghiệm đã khiến bệnh nhân bị chẩn đoán sai bệnh.
Bác sĩ Hoàng cho rằng, một số nhân viên y tế hiện chưa nắm rõ ý nghĩa của các chỉ dấu huyết thanh trong kết quả xét nghiệm viêm gan siêu vi B. Bên cạnh đó, các trang thiết bị xét nghiệm lạc hậu, thiếu đồng bộ có thể cho ra kết quả thiếu chính xác. Nhiều trường hợp vì vậy đã bỏ sót bệnh lý hoặc chẩn đoán nhầm từ không thành có, ảnh hưởng kết quả điều trị cho người bệnh.
Về mặt y học, các chỉ dấu xét nghiệm sinh học trong chẩn đoán viêm gan siêu vi B rất đa dạng và thay đổi theo từng giai đoạn bệnh. Điều đó đòi hỏi các bác sĩ và nhân viên xét nghiệm phải am hiểu, vận dụng đúng để có chẩn đoán phù hợp. Cùng với đó là việc ứng dụng các kỹ thuật mới với trang thiết bị hiện đại để giúp tầm soát và phát hiện mầm bệnh tiềm ẩn, dù chỉ là một lượng nhỏ virus trong máu.
|
Nhân viên phòng lab xét nghiệm tầm soát viêm gan B. Ảnh bệnh viện cung cấp. |
Các bác sĩ cũng khuyến cáo mọi người cần kiểm tra sức khỏe định kỳ để tầm soát bệnh, có biện pháp xử lý kịp thời và không tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định từ bác sĩ.
Theo thống kê, hiện 15% dân số Việt Nam bị viêm gan B. Công tác chăm sóc y tế cộng đồng chưa được chú trọng khiến việc phòng tránh và tầm soát viêm gan trong cộng đồng không được quan tâm.
Cẩm Anh