Bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí trong tình trạng đau bụng dữ dội. Bác sĩ chẩn đoán chị Thủy bị viêm ruột thừa, chỉ định phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa.
Bác sĩ phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa cho thai phụ, Ảnh: Bệnh viện cung cấp. |
Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ gặp rất nhiều khó khăn bởi chị Thủy mang thai ở tuần 36, thai và tử cung lớn khiến ruột thừa và manh tràng bị đẩy lên rất cao, khoảng không để tiến hành phẫu thuật rất chật hẹp. Đặc biệt, việc tính toán lượng thuốc dùng và theo dõi gây mê cho thai phụ phải rất cẩn trọng tránh để ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi.
Theo bác sĩ Vũ Đức Thụ, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Việt Nam – Uông Bí cho biết, việc chẩn đoán viêm ruột thừa ở phụ nữ mang thai rất khó bởi dễ bị nhầm với viêm phần phụ phải, chửa ngoài dạ con, nang buồng trứng xoắn hoặc dọa sảy thai. Ở cuối thai kỳ, triệu chứng viêm ruột thừa không làm co cứng thành bụng mà lại gây co và đau tử cung phía phải, dễ gây nhầm lẫn là xuất huyết sau nhau hoặc chuyển dạ.
Sức khỏe bà bầu và thai nhi đều ổn định sau ca mổ ruột thừa. Ảnh: Bệnh viện cung cấp. |
Thai phụ bị viêm ruột thừa thì chỉ có một giải pháp là phẫu thuật. Tuy nhiên phẫu thuật cắt ruột thừa cho thai phụ ở 3 tháng giữa thai kỳ sẽ thuận lợi hơn. Mổ cắt ruột thừa khi thai mới 3 tháng đầu sẽ rất dễ hỏng thai; phẫu thuật ở 3 tháng cuối thai kỳ có thể gây đẻ non và thường phải mổ mở. Nhờ có sự phối hợp tốt giữa các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp và các bác sĩ khoa Gây mê hồi sức, ca phẫu thuật diễn ra thành công. Sức khỏe của cả thai phụ và thai nhi ổn định.
Phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa thì vết mổ nhỏ, sản phụ vẫn có thể sinh thường hoặc sinh mổ mà không ảnh hưởng đến sức khỏe.