Liên quan đến việc trao nhầm trẻ cách đây 6 năm trước, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Ba Vì cho biết sự việc xảy ra từ năm 2012 thời giám đốc cũ. Dù vậy, khi nhận được phản ánh của gia đình anh Sơn, bệnh viện đã xin lỗi và nhận trách nhiệm, cam kết trong thời gian ngắn nhất tìm lại con cho gia đình. Đồng thời bệnh viện cũng trả toàn bộ chi phí đi lại, xét nghiệm ADN…
Lãnh đạo bệnh viện cho biết, do gia đình đã gửi đơn kiện đến tòa án nên chờ tòa phán quyết mức bồi thường tổn hại về tinh thần và vật chất.
Ông Hùng thừa nhận “nếu gia đình đòi bồi thường quá nhiều thì bệnh viện không có tiền; bản thân cán bộ y tế làm sai cũng không thể bồi thường được với mức lương mỗi tháng chỉ 4 triệu đồng”. Bệnh viện cũng quyết định xử lý kỷ luật với các nữ hộ sinh liên quan, không cho tham gia làm công tác chuyên môn như trực, đỡ trẻ, tắm bé.
“Bệnh viện rất mong muốn sớm giải quyết vụ việc, hai gia đình được nhận lại con của mình. Bản thân những cán bộ y tế làm sai cũng đã gặp hai gia đình để xin lỗi. Đây là sự việc không ai mong muốn nhưng đã xảy ra”, ông Hùng nói.
Ông Nguyễn Ngọc Vinh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Ba Vì cho biết thêm, một trong nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trong việc trao đổi con giữa hai gia đình là do một bên gia đình chị Hương chưa đồng ý đổi con. Bệnh viện cũng rất thông cảm. Bản thân chị chăm sóc con suốt 6 năm, gắn bó tình cảm lâu năm nên bỗng dưng xảy ra sự nhầm lẫn này chị chưa chấp nhận được ngay.
“Chị Hương cho biết chưa sẵn sàng tâm lý bởi đã chăm sóc con 6 năm qua nên chưa chấp nhận sự thật này”, ông Vinh nói.
Theo ông, theo quy trình, trong ca đẻ bình thường một nữ hộ sinh sẽ chăm sóc mẹ, một nữ hộ sinh chăm sóc con. Thời điểm diễn ra ca sinh của hai người mẹ này có thể cùng lúc 2-3 cháu chào đời, hộ sinh không cẩn thận dẫn đến sự nhầm con.
Để đảm bảo không xảy ra sai sót khi thực hiện chuyên môn, Bệnh viện đã yêu cầu các khoa phòng thực hiện nghiêm quy trình an toàn người bệnh. Khoa sản bệnh viện từ năm 2013 đến nay thực hiện theo đúng quy trình: Sau sinh trẻ được đeo vòng đánh số, cùng với số trên vòng tay của mẹ. Khi sản phụ sinh, bác sĩ thông báo với sản phụ là trẻ được đeo vòng tay số bao nhiêu, khi trao lại cho gia đình cũng sẽ thông báo lại con số này.
Trong khi đó, gia đình anh Sơn rất mong muốn sớm được nhận lại con; đặc biệt khi sắp vào năm học mới, liên quan đến việc đi học của trẻ. Trước đó, hai gia đình cũng đã giành thời gian để các cháu có cơ hội tiếp xúc với gia đình mới.
“Gia đình muốn bù đắp lại cho đứa con đẻ của mình. Còn với bé gia đình đã nuôi suốt 6 năm qua không phải là không có tình cảm; chúng tôi cũng hy vọng hai gia đình sẽ duy trì mối quan hệ thân thiết để các cháu không thấy bị bỡ ngỡ”, anh Sơn nói.
6 năm trước, sáng 1/11/2012, vợ anh Sơn sinh con tại khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì. Sau sinh, khi nhận con, vợ chồng anh nghi ngờ nhầm tã lót của bé nên hỏi lại bác sĩ đỡ đẻ. Tuy nhiên, bác sĩ khẳng định đây là tã lót của cháu, không có chuyện nhầm.
Từ đó tới nay, gia đình anh Sơn luôn yêu thương nuôi dưỡng bé trai như con đẻ của mình. Tuy nhiên, bé càng lớn, vợ chồng anh càng thấy con có nhiều nét không giống mình. Đưa con đi xét nghiệm ADN, anh Sơn bất ngờ nhận kết quả con không cùng huyết thống với bố mẹ.
Bệnh viện đã xác định gia đình chị Hương cũng ở Ba Vì, có khả năng cao bị trao nhầm con với gia đình anh Sơn. Hai bên đã làm xét nghiệm AND từ giữa tháng tư, kết quả khẳng định có sai sót trao nhầm con. Tuy nhiên từ đó đến nay hai gia đình vẫn chưa tiến hành trao đổi hai bé.