Được giải cứu khỏi hang động Tham Luang, 12 thiếu niên cùng huấn luyện viên vẫn chưa thể đoàn tụ với gia đình mà ở phòng cách ly vô trùng. Thân nhân được khuyến cáo không ôm và động chạm các cầu thủ nhí. Ngay cả khi chắc chắn tất cả đều khỏe mạnh, trong lần gặp đầu tiên, người thân các cậu bé cũng được khuyến cáo đứng tránh xa hai mét đồng thời mặc áo bảo hộ. Lý do nào khiến các bác sĩ cẩn thận đến mức đó?
Các thiếu niên đội bóng nhí Thái Lan được chăm sóc trong phòng cách ly sau khi thoát khỏi hang. Ảnh: EPA. |
Trên thực tế, dù đón hàng nghìn du khách đến tham quan mỗi năm, Tham Luang ẩn chứa hàng loạt nguy cơ chết người. Như mọi hang động nhiệt đới khác, nó là nhà của rất đông động vật hoang dã, từ chim, dơi đến chuột – những vật chủ mang bệnh dại, virus Marburg và nấm. Càng vào sâu, khả năng gặp nhện, rết, bọ cạp độc càng tăng cao. Chưa kể đến những con ve gây bệnh “sốt hang động”.
“Vâng, chúng tôi đã thấy rất nhiều sinh vật trong các hang động”, ông Rick Murcar, chủ tịch Hiệp hội Quốc gia về lặn đang động (Mỹ) chia sẻ với BBC. “Ví dụ, ở một hang động Mexico, chúng tôi phát hiện ong sát thủ châu Phi ẩn náu. Còn có dơi, bọ cạp nữa, mà đó mới chỉ là cửa vào”.
Trong hang động, độ ẩm có thể lên tới gần 100%, lý tưởng cho nấm bệnh phát triển. Hơn nữa, các hang động thường rất tối. Kể cả khi có đuốc, con người cũng dễ dàng mất phương hướng. Đây cũng là lý do các phi hành gia thường vào hang động để tập làm quen với cuộc sống vô định ngoài không gian.
Hang động là nơi ở lý tưởng cho các mầm bệnh chết người. Ảnh: BBC. |
Nói về nguy cơ sức khỏe đối với 12 thiếu niên Thái, bà Hazel Barton, thợ lặn kiêm chuyên gia về vi sinh vật hang động cho biết: “Tôi khá chắc các cậu bé đã nhiễm Histoplasma, loại nấm hay xuất hiện ở hang động nhiệt đới có dơi”.
Dù có thể điều trị bằng thuốc chống nấm (mỗi đợt kéo dài từ vài tháng đến một năm), Histoplasma vẫn rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong ở trẻ em khoảng một trên 20.
Một vi khuẩn khác cũng ẩn náu tại hang động là Leptospira. Con người nhiễm vi khuẩn hình xoắn ốc này do tiếp xúc với nguồn nước nhiễm nước tiểu các loài gặm nhấm. Leptospira dẫn đến bệnh Weil, triệu chứng ban đầu giống hệt cúm nhẹ. Khoảng 5-15% ca bệnh phát triển thành thể nặng gây xuất huyết và suy tạng, thậm chí tử vong.
Tuy nhiên, vấn đề mà thành viên đội bóng nhí Lợn Hoang dễ mắc nhất là bệnh Melioidosis (hay bệnh Whitmore). Nó hiện hữu khắp các vùng nhiệt đới, tấn công khoảng 165.000 người mỗi năm và khiến 50% số này qua đời.
Vi khuẩn gây Melioidosis tồn tại trong đất và thâm nhập cơ thể người qua hoạt động thường ngày như trồng lúa. Chẩn đoán Melioidosis vô cùng khó khăn bởi biểu hiện bên ngoài hay bị nhầm lẫn sang các bệnh khác và không bộc phát ngay (đôi khi cần tới 21 ngày). Ngoài ra, Melioidosis cũng kháng nhiều loại kháng sinh.
Thoát khỏi hang động, các cậu bé đã được xét nghiệm máu. May mắn là dù nhiễm bệnh, khả năng phục hồi của 12 cậu bé cùng huấn luyện viên vẫn rất cao nhờ điều trị kịp thời.
Nhìn chung, người muốn khám phá hang động không nên quá sợ hãi. Nếu biết thực hiện các biện pháp phòng ngừa đơn giản như mang ủng cao su và cởi bỏ quần áo sau khi lặn, bạn hoàn toàn có thể tự bảo vệ bản thân. Bên cạnh đó, không phải mọi hang động đều nguy hiểm mà điều này phụ thuộc từng địa điểm cũng như sinh vật bên trong.
Ngày 23/6, 12 cậu bé thiếu niên đội bóng Lợn Hoang của Thái Lan cùng huấn luyện viên tham quan hang động Tham Luang. Bất ngờ nước lũ dâng cao tràn vào hang, 13 người di chuyển sâu vào bên trong và kẹt lại trong hang tối suốt hơn nửa tháng. Họ chia nhau thức ăn, thiền, động viên nhau giữ vững tinh thần. Họ được một thợ lặn phát hiện vị trí ở sâu trong hàng vào ngày thứ 9 bị mắc kẹt. Chính quyền Thái Lan tổ chức chiến dịch giải cứu trên quy mô lớn, thu hút sự quan tâm của cả thế giới và hỗ trợ của các chuyên gia lặn hang động giàu kinh nghiệm từ nhiều nước. Cuối cùng, cả 13 người đều được cứu thành công, sống sót khỏe mạnh sau 18 ngày gặp nạn. |