Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, toàn cầu có hơn 1 tỷ người ở độ tuổi 12 -35 đang bị đe dọa sức khỏe thính lực do nghe nhạc âm lượng lớn trên các thiết bị di động, lại thường xuyên tiếp xúc với các sự kiện giải trí với cường độ âm thanh lớn. Ở Việt Nam, những người trẻ đi khám các bệnh liên quan đến thính lực tăng trong những năm gần đây.
Tiến sĩ Cao Minh Thành, Trưởng khoa tai mũi họng bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết một trong những nguyên nhân giới trẻ nghe kém là hậu quả của việc đeo tai nghe. Việc sử dụng tai nghe nhiều và âm lượng lớn sẽ làm cho màng nhĩ liên tục rung động, gây những tổn thương siêu nhỏ, làm tính đàn hồi của màng nhĩ giảm đi, cấu trúc nếp sợi chung ở giữa màng nhĩ thay đổi, sau này sẽ biểu hiện nghe kém, màng nhĩ sẽ có những vết sẹo. Có nhiều trường hợp, những can thiệp về y khoa là không thể, ngoại trừ sử dụng các thiết bị trợ thính.
Bác sĩ Thành chia sẻ:
Bác sĩ Thành cho rằng nếu xuất hiện các triệu chứng như ngồi nói chuyện với người khác phải rất tập trung mới nghe thấy, hoặc mở tivi to hợn bình thường, thì nên đến các cơ sở bệnh viện để khám tai.
Cách sử dụng tai nghe:
– Điều chỉnh âm thanh: vặn volume ở mức độ vừa phải. Hạn chế maximum tai nghe thường xuyên. Nên tuân thủ nguyên tắc 60-60: không nghe nhạc, xem phim với âm lượng vượt quá 60%. Thời gian sử dụng tai nghe không được liên tục trong 60 phút. Khi âm lượng lớn, thời lượng phải rút ngắn.
– Hỏi người bên cạnh: Nếu người bên cạnh nghe thấy âm thanh từ tai nghe phát ra thì nên chỉnh lại volume đến khi người đó không còn nghe thấy gì nữa. Đây không chỉ là cách để bảo vệ tai của bạn mà cũng là cách để giữ lịch sự chung khi ở nơi công cộng.
– Cẩn thận nghe tai phone khi lái xe: Khi bạn đeo tai phone chạy xe ngoài đường, bạn thường vặn âm thanh rất lớn để có thể nghe được vì âm thanh xe cộ khá ồn, như vậy màng nhĩ sẽ phải chịu sự tra tấn. Bên cạnh đó, đeo tai phone khi lái xe khiến bạn không nghe thấy những gì xung quanh nên rất nguy hiểm, dễ xảy ra tai nạn.
– Chọn tai nghe đúng: Nên chọn mua những loại tai nghe vành rộng, trùm kín tai, có độ lọc tiếng ồn tốt, không nên dùng loại tai nghe nhét trong ống tai.
– Chú ý vệ sinh tai nghe: Vệ sinh cho tai nghe thường xuyên để tránh bụi bẩn, các dị vật có thể lọt vào tai, cũng như ngăn ngừa khả năng bị viêm tai.
– Cẩn thận với việc uống rượu và nghe tai nghe: Cồn trong rượu làm mờ đi những âm tần thấp khoảng 1000 Hz, ngưỡng âm quan trọng nhất trong việc phân biệt lời nói. Điều này gây ảnh hưởng đến thính lực của chúng ta.
Thúy Quỳnh