Các nhà nghiên cứu cho biết, khứu giác là cơ quan cảm giác mẫn cảm nhất ở trẻ sơ sinh. Mùi cơ thể người mẹ ảnh hưởng không nhỏ tới trẻ. Nếu ngửi thấy mùi sữa mẹ, trẻ rất vui vẻ, hào hứng muốn ăn, có lợi cho sự phát triển của trẻ. Nếu mẹ trang điểm quá đậm, mùi thơm của son phấn, nước hoa… làm trẻ không nhận ra mẹ mình, nảy sinh tâm lý cảnh giác, lo lắng, khóc, khó ngủ, thậm chí tuyệt thực.
Chị Nguyễn Lan Anh (Ba Vì – Hà Nội) có con nhỏ đang trong thời kỳ bú sữa mẹ. Tuy nhiên, chị thường xuyên trang điểm đậm khi ra ngoài, dùng nước hoa, phấn thơm trên cơ thể. Một vài lần cho con bú, con chị có biểu hiện khóc nhiều, bú ít và kém gần gũi với mẹ.
Bác sĩ Nguyễn Quỳnh Nga, Bệnh viện sản phụ khoa Hà Nội cho biết, khi sinh ra, cơ quan khứu khác của trẻ đã quen với mùi cơ thể mẹ. Khi mẹ trang điểm, mùi phấn son trên da mẹ sẽ làm cho trẻ cảnh giác, không muốn gần gũi, sẽ có biểu hiện khóc nhiều, không bú mẹ, có nhiều trường hợp bé bị dị ứng trên da.
Cũng theo bác sĩ Nga, trong thời gian cho con bú, các mẹ sẽ có cảm giác đau núm vú hoặc vú bị nhiễm khuẩn…Nguyên nhân chủ yếu của những hiện tượng này là do lượng sữa được sản sinh ra quá nhiều làm cho vú bị căng, gây khó khăn cho trẻ khi bú. Nhiều bà mẹ thường xuyên vệ sinh ngực bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa có mùi thơm. Dưới tác dụng của cơ giới hoặc hóa học, chất tẩy rửa này có thể làm mất đi chức năng bảo vệ của lớp sừng trên bề mặt da, khiến cho bề mặt da bị tổn thương. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi phát triển, lâu dần có thể gây viêm vùng ngực và ảnh hưởng tới sức khỏe của cả mẹ và bé.
Bác sĩ Nga khuyên
– Mẹ không nên trang điểm quá đậm, hoặc sử dụng những mỹ phẩm có mùi thơm trong thời kỳ cho con bú. Điều này sẽ khiến bé sợ hãi, lo lắng, kén ăn.
– Nếu mẹ trang điểm hoặc sử dụng các loại nước hoa, phấn thơm, cần vệ sinh cơ thể sạch sẽ trước khi lại gần con và cho con bú.
– Chỉ nên dùng nước ấm để vệ sinh vùng ngực hoặc sử dụng các loại sữa tắm với tác dụng dịu nhẹ.
– Trong thời gian cho con bú, cần phải giữ 2 vú luôn ở trạng thái sạch sẽ và phải đảm bảo độ khô ráo cần thiết.
– Khi thấy núm vú bị dập nhỏ và cảm thấy đau, tốt nhất nên cho trẻ ngừng bú, bôi dầu hoặc kem dưỡng da để vú được lành nhanh hơn, tránh gây truyền nhiễm cho trẻ.
Thúy Quỳnh