Ăn xong, chị Hà không rửa tay bằng nước mà đổ một lượng dung dịch nước rửa tay khô vào lòng bàn tay và xoa đều. 30 giây sau, bàn tay chị đã sạch, không còn mùi thức ăn, không bóng nhờn, lại có mùi thơm từ dung dịch. Chị Hà mua nhiều lọ nước rửa tay này để ở các nơi, từ phòng ăn, phòng ngủ đến bàn làm việc cơ quan vì cho rằng “dùng loại này rửa sạch hơn rửa tay với nước”.
Tuy nhiên, sau một thời gian, tay chị Hà bị ngứa rát và nổi những nốt mẩn đỏ. Đi khám da liễu, các bác sĩ kết luận chị bị dị ứng da.
Ảnh: MarryBaby |
Nước rửa tay khô là loại dung dịch rửa tay dạng xịt hoặc dạng gel, khi sử dụng không cần rửa lại bằng nước. Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại nước rửa tay với đa dạng mùi hương, kiểu dáng, chủng loại và sản phẩm dành cho trẻ em. Thành phần nước rửa tay khô có cồn, chất diệt khuẩn triclosan, hương liệu tạo mùi thơm. Công dụng là làm sạch nhanh, có thể mang theo và rửa ở bất cứ đâu. Một số loại có mùi thơm lại có những thành phần dưỡng ẩm, cung cấp vitamin E giúp làm mềm da, giá chỉ vài chục nghìn đồng.
Theo bác sĩ Phạm Ngọc Oanh, chuyên khoa Da liễu Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, để diệt những loại vi khuẩn gây bệnh mà không cần dùng xà phòng, dung dịch rửa tay khô phải chứa hàm lượng cồn kháng khuẩn lớn. Cồn giúp tiêu diệt vi khuẩn nhưng đồng thời cũng làm hại da tay của người sử dụng, khiến làn da mỏng đi và khô rát, bong tróc, nhanh lão hóa. Sử dụng lâu dài sẽ làm suy giảm hệ miễn dịch, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.
Làn da của trẻ em mỏng hơn nhiều so với người lớn. Lượng cồn trong nước rửa tay khô có thể làm bàn tay trẻ bị rát và kích ứng, mẩn ngứa và có thể hình thành bệnh dị ứng, viêm da. Bên cạnh đó, hầu hết các loại dung dịch rửa tay đều có các chất hóa học tạo mùi nhân tạo, có thể gây các phản ứng dị ứng, viêm da, suy hô hấp, rối loạn nội tiết và tác động tiêu cực đến hệ sinh sản.
Thống kê từ của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, từ năm 2011 đến 2014 có hơn 70 nghìn trẻ em dưới 12 tuổi uống phải nước rửa tay có cồn do bị hấp dẫn bởi mùi hương. Nếu uống hoặc nuốt các dung dịch này, trẻ có thể bị dị ứng mắt và miệng, đau bụng, nôn mửa. Nghiêm trọng hơn, dẫn tới hôn mê hay co giật, nguy hiểm đến tính mạng.
Lưu ý khi sử dụng nước rửa tay khô:
– Chỉ sử dụng nước rửa tay trong trường hợp không có nước và xà phòng. Tuyệt đối không lạm dụng.
– Tránh mua những loại nước rửa tay có mùi hấp dẫn, như thế sẽ kích thích trẻ muốn nếm thử. Khi trẻ sử dụng, cần có sự giám sát của bố mẹ.
– Phương pháp vệ sinh tay tốt nhất vẫn là dùng nước và xà phòng.
Thúy Quỳnh