Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM cho biết điều tra dịch tễ xung quanh khu vực sinh sống của bệnh nhân không có vật chứa dễ phát sinh loăng quăng, muỗi. Các hộ xung quanh gia đình bệnh nhân cũng không có người nào nghi ngờ mắc bệnh. Hiện khu vực này đã được xử lý phun hóa chất diệt muỗi, giám sát bệnh, người dân được chính quyền khuyến cáo giữ vệ sinh môi trường.
Theo bác sĩ Dũng, 30 bệnh viện của thành phố thời gian qua đã lấy 748 mẫu phẩm tầm soát dịch gửi đến Viện Pasteur TP HCM kiểm nghiệm, kết quả phát hiện 2 ca dương tính với virus Zika ở quận 2 và quận 9. Tuy nhiên người dân chưa nhận thức đúng về bệnh và nguy cơ lây nhiễm nên hoang mang lo lắng dẫn đến kỳ thị với người bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế rà soát lại quy trình phòng chống dịch, xử lý ca bệnh, tư vấn phòng bệnh, nhất là với thai phụ và những người chuẩn bị mang thai.
Khoảng 20% người nhiễm virus Zika có biểu hiện lâm sàng, hầu hết đều nhẹ và tự qua khỏi. Nếu bà bầu nhiễm virus trong ba tháng đầu thai kỳ có thể dẫn đến dị tật đầu nhỏ ở thai nhi, tỷ lệ khoảng 10%. Ngành y tế khuyến cáo, phụ nữ mang thai trong vòng 3 tháng đầu nếu có biểu hiện sốt hoặc phát ban và đau khớp, đau mắt đỏ nên đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và hướng dẫn theo dõi sức khỏe định kỳ, sớm phát hiện nhiễm virus Zika và các dị tật của thai nhi. Người từ vùng dịch về chủ động theo dõi tình trạng sức khỏe, không để bị muỗi chích trong vòng 14 ngày từ ngày trở về, thực hiện tình dục an toàn ít nhất 28 ngày và nên liên hệ cơ sở y tế để được tư vấn chi tiết.
Ngày 8/10, Bộ Y tế công bố một thai phụ 27 tuổi ở Thuận An Bình Dương và một cô gái tại quận 9, TP HCM nhiễm virus Zika, nâng số người Việt mắc bệnh lên 5. Cả hai khởi phát bệnh với các triệu chứng phát ban, sốt kèm đau cơ…, không có tiền sử đi du lịch hoặc tiếp xúc với người bệnh. Hiện sức khỏe đều đã ổn định. Thai thụ mắc bệnh đang theo dõi quá trình thai nghén.
>> Xem thêm: Phòng virus Zika gây bệnh đầu nhỏ ở thai nhi như thế nào?
Lê Phương