Đây là người đàn ông đầu tiên TP HCM mắc bệnh Zika. 4 ca bệnh trước đó là một thai phụ và 3 phụ nữ sống ở các quận 2, 9, 12. Thành phố đang khẩn trương tiến hành công tác phòng chống dịch ở các quận huyện.
Đến nay Việt Nam ghi nhận 8 trường hợp nhiễm virus Zika, trong đó TP HCM nhiều nhất 5 ca, Bình Dương, Khánh Hòa và Phú Yên mỗi địa phương một bệnh nhân. Chiều 18/10 TP HCM công bố dịch Zika cấp phường xã, ở phường An Phú quận 2 và phường Hiệp Thành quận 12. Trước đó có 3 người nước ngoài sinh sống làm việc hoặc đến Việt Nam công tác nghi bị nhiễm virus Zika và sau đó phát bệnh ở nước ngoài.
Ngày 14/10, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế ghi nhận em bé 4 tháng tuổi cư ngụ tại huyện Krông Buk, tỉnh Đăk Lăk có triệu chứng dị tật bẩm sinh nghi chứng đầu nhỏ. Các xét nghiệm ban đầu cho thấy người mẹ và thai nhi từng nhiễm virus Zika. Cơ quan chức năng tiếp tục lấy mẫu gửi phòng xét nghiệm Đại học Nagasaki Nhật Bản để kiểm tra sự hiện diện virus Zika.
Khoảng 20% người nhiễm virus Zika có biểu hiện lâm sàng, hầu hết đều nhẹ và tự qua khỏi. Bệnh nguy hiểm với thai phụ, nếu nhiễm virus trong ba tháng đầu thai kỳ có thể dẫn đến dị tật đầu nhỏ ở thai nhi, tỷ lệ khoảng 10%.
Lãnh đạo ngành y tế khuyến cáo người dân không quá hoang mang nhưng cũng không chủ quan mà cần quan tâm đến sức khỏe cá nhân và cộng đồng. Người dân nên tăng cường tìm diệt loăng quăng tại nơi sinh sống và nơi làm việc, chủ động phòng chống muỗi đốt. Sinh hoạt tình dục an toàn, sử dụng bao cao su để tránh lây truyền virus Zika qua đường tình dục.
Phụ nữ mang thai trong vòng 3 tháng đầu nếu có biểu hiện sốt hoặc phát ban và đau khớp, đau mắt đỏ nên đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và hướng dẫn theo dõi sức khỏe định kỳ, sớm phát hiện nhiễm virus Zika và các dị tật của thai nhi. Người từ vùng dịch về chủ động theo dõi tình trạng sức khỏe, không để bị muỗi chích trong vòng 14 ngày từ ngày trở về, thực hiện tình dục an toàn ít nhất 28 ngày và nên liên hệ cơ sở y tế để được tư vấn chi tiết.
Lê Phương – Hoài Nhơn