Home » Khỏe và đẹp » Ứng viên Thứ trưởng Y tế phải thuyết trình 15 phút 'sẽ làm gì nếu được bổ nhiệm'

Ứng viên Thứ trưởng Y tế phải thuyết trình 15 phút 'sẽ làm gì nếu được bổ nhiệm'

Làm việc với Bộ Y tế ngày 18/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu 8 vấn đề yêu cầu ngành y tế giải thích rõ thêm, trong đó có nội dung về quy hoạch tổ chức cán bộ, chậm bổ nhiệm một số chức danh… 

Theo Bộ trưởng Dũng, ngành y tế thời gian vừa qua có rất nhiều phản ánh liên quan đến vấn đề bổ nhiệm nhân sự, đơn thư tố cáo, nộ bộ không đoàn kết khiến nhiều bệnh viện khuyết chức danh lãnh đạo trong thời gian dài. Mới đây nhất là những thông tin liên quan đến việc bổ nhiệm vị trí Thứ trưởng.

ung-vien-thu-truong-y-te-phai-thuyet-trinh-15-phut-se-lam-gi-neu-duoc-bo-nhiem

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm việc với Bộ Y tế sáng 18/10.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, việc bổ nhiệm cán bộ của Bộ Y tế được thực hiện một cách nghiêm túc, công khai, dân chủ, minh bạch và rất chặt chẽ, thận trọng. Ứng viên vị trí Thứ trưởng phải trải qua 3 vòng, trong đó có lấy phiếu vô định từ 63 ban chấp hành Đảng bộ của 63 Sở Y tế, 2 vòng đơn vị chủ chốt. Trong vòng thứ 3, hai ứng cứ viên cho vị trí Thứ trưởng phải trình bày 15 phút đề án “nếu như được bổ nhiệm thì làm gì”, sau đó Ban cán sự Đảng bỏ phiếu kín.

Hiện Bộ Y tế có 4 thứ trưởng, khuyết một vị trí do từ ngày 15/4 bà Nguyễn Thị Xuyên thôi chức. Trong khi đó cũng chưa có thứ trưởng nào phụ trách mảng dược.

Về việc nhiều bệnh viện tuyến trung ương một thời gian dài không có lãnh đạo, Bộ trưởng Tiến giải thích “chậm bổ nhiệm vì chờ hơn một năm”. Tình trạng này xảy ra với một số đơn vị như Bệnh viện Mắt Trung ương, Việt Đức, Hữu Nghị. Theo quy trình, các vị trí cấp phó, trưởng đơn vị đều phải qua 2 vòng lấy phiếu sau đó Ban cán sự Đảng mới duyệt, có biên bản ghi lại.

Tuy nhiên, các đơn vị này không thống nhất được bầu ai làm giám đốc. Ví dụ tình trạng Bệnh viện Việt Đức thiếu giám đốc suốt thời gian dài vì có hai ứng viên phó giám đốc ngang tài, số phiếu tương đương nhau để có thể giữ chức vụ giám đốc viện. Bệnh viện phải đề nghị Bộ Y tế bổ nhiệm giám đốc viện. Trong khi đó, Bộ Y tế tính toán phương án thí điểm thi tuyển các chức danh này. Bộ đã đăng ký, làm đề án thí điểm thi tuyển cấp trưởng các đơn vị sự nghiệp trình lên Chính phủ nhưng chờ mãi mà không có văn bản hướng dẫn.

“Nếu chờ mãi sẽ rất căng nên đến nhiệm kỳ Chính phủ mới, Bộ Y tế đề nghị cho quy trình bổ nhiệm và được cho phép. Chúng tôi làm đúng quy trình”, Bộ trưởng Tiến cho biết thêm.

Giải thích lộn xộn trong quá trình bổ nhiệm giám đốc các bệnh viện Việt Đức, Hữu Nghị hồi giữa năm, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, sau khi Chính phủ cho phép Bộ bổ nhiệm lãnh đạo viện, Bộ đã có phương án bổ nhiệm Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương, quy hoạch một Phó giám đốc Bệnh viện Việt Đức về làm Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị, Phó giám đốc ứng viên Việt Đức còn lại làm Giám đốc Việt Đức. Chủ trương này Ban cán sự Đảng và bản thân các bên đều đồng ý. Tuy nhiên sau đó Phó giám đốc Việt Đức được điều động sang Bệnh viện Hữu nghị đã viết tâm thư mong muốn ở lại viện. Bộ buộc phải bổ nhiệm một người khác là giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị. 

Nam Phương