Bé gái 4 tuổi ở Long An vừa phát hiện nhiễm virus Zika khiến phụ huynh lo ngại những ảnh hưởng về sau. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) cho biết khoảng 20% người nhiễm virus Zika có biểu hiện lâm sàng như sốt, phát ban, đau khớp… Hầu hết các trường hợp đều nhẹ và tự qua khỏi.
“Ở trẻ em, biểu hiện bệnh đa số nhẹ hơn so với người lớn. Hiện trên thế giới chưa có ghi nhận trường hợp trẻ tử vong hay ảnh hưởng thần kinh sau khi nhiễm virus này”, bác sĩ Khanh chia sẻ. Bệnh được khuyến cáo nguy hiểm với phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu vì biến chứng gây dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh.
Chứng đầu nhỏ ở trẻ còn có thể do nhiều nguyên nhân khác như nhiễm virus rubella, khuẩn giang mai, ký sinh trùng, nhiễm độc, suy dinh dưỡng, yếu tố di truyền… Khoảng 10% thai phụ mắc Zika sinh con mắc dị tật đầu nhỏ ảnh hưởng trí tuệ, vận động, nói năng, sinh hoạt. Trẻ bị dị tật não nhỏ hoặc có tiền sử mẹ nhiễm virus Zika khi mang thai cần được theo dõi sự phát triển về tinh thần, vận động, đánh giá thị lực và điều trị các rối loạn như co giật, động kinh nếu có.
So với sốt xuất huyết thì bệnh do virus Zika nhẹ hơn, 80% không có biểu hiện bệnh. Biểu hiện lâm sàng của sốt xuất huyết thường nặng hơn, từ ngày thứ hai có thể chảy máu chân răng, chảy máu cam; nghiêm trọng hơn là chảy máu nội tạng, trụy mạch, sốc, nguy cơ tử vong rất cao.
Nhân viên y tế dự phòng phun thuốc diệt muỗi chống Zika, sốt xuất huyết tại TP HCM chiều 21/10. Ảnh: Hoài Nhơn. |
Việt Nam đã ghi nhận có 9 bệnh nhân Zika, tập trung chủ yếu ở TP HCM với 5 trường hợp. Các địa phương Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Dương, Long An mỗi nơi một bệnh nhân. Ngày 21/10, một bé 4 tuổi và một bé 7 tuổi ở Đăk Lăk vừa được Bộ Y tế ghi nhận mắc chứng đầu nhỏ song loại trừ nguyên nhân virus Zika. Ngày 14/10, Đăk Lăk phát hiện một em bé 4 tháng tuổi bị dị tật đầu nhỏ nghi do virus Zika, bởi trong thai kỳ mẹ bé có hai lần bị sốt và phát ban. Mẫu bệnh phẩm của bé đang được gửi sang Nhật để kiểm tra lại sự hiện diện virus Zika.
Bộ Y tế đặc biệt khuyến cáo các bà mẹ nâng cao ý thức khám thai định kỳ, trong đó 3 tháng đầu thai kỳ cực kỳ quan trọng. Phụ nữ dự định có thai, đang có thai đi đến vùng dịch thì phải thực hiện các biện pháp phòng chống, khi về nước có triệu chứng bệnh phải đến cơ sở y tế thăm khám ngay.
Người dân không quá hoang mang nhưng cũng không chủ quan. Tăng cường tìm diệt loăng quăng tại nơi sinh sống và nơi làm việc, phòng chống muỗi đốt. Sinh hoạt tình dục an toàn, sử dụng bao cao su để tránh lây truyền virus Zika qua đường tình dục. Người từ vùng dịch về chủ động theo dõi tình trạng sức khỏe, không để bị muỗi chích trong vòng 14 ngày từ ngày trở về, tình dục an toàn ít nhất 28 ngày và nên liên hệ cơ sở y tế để được tư vấn chi tiết.
Lê Phương