Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, trung gian truyền virus Zika là muỗi Aedes aegypti. Loài muỗi này đồng thời cũng truyền bệnh sốt xuất huyết. Bệnh tăng theo chu kỳ sinh trưởng của muỗi. Muỗi Aedes đang phát triển ở miền Nam, Trung và Tây Nguyên nhiều hơn miền Bắc do các khu vực này trong mùa mưa.
Dịch bệnh sốt xuất cũng gia tăng tại một số địa phương, đặc biệt là 3 khu vực trên. Nơi nào xuất hiện sốt xuất huyết Dengue nhiều thì nguy cơ Zika nhiều. Đến nay, cả nước ghi nhận 9 trường hợp nhiễm virus Zika, trong đó TP HCM nhiều nhất với 5 ca, các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Dương, Long An mỗi nơi một bệnh nhân. Một bé gái 4 tháng tuổi ở Tây Nguyên mắc chứng đầu nhỏ nghi ngờ liên quan đến virus Zika. Miền Bắc chưa ghi nhận ca bệnh nào nhưng khả năng dịch xuất hiện vì sự giao thương đi lại giữa các vùng miền.
Diệt loăng quăng để hạn chế muỗi gây bệnh..Ảnh: Thi Ngoan. |
Tiến sĩ Phu khuyến cáo người dân không được chủ quan, nhất là các thai phụ. Ngày 20/20, Bộ Y tế tăng cường mức độ cảnh báo bệnh Zika với các giải pháp diệt muỗi, loăng quăng, xử lý dụng cụ chứa nước, phạt hành chính các tồ chức cá nhân cố tình không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Các phòng khám (bao gồm cả phòng khám tư nhân) được khuyến cáo lấy mẫu người nghi bệnh, kể cả người nghi nhiễm virus Zika với triệu chứng nhẹ có thể không đến khám và điều trị tại bệnh viện.
Bệnh Zika thường nhẹ, chỉ nguy hiểm với thai phụ trong 3 tháng đầu. “1-10% thai phụ mắc Zika sinh con bị dị tật đầu nhỏ, vì thế bà bầu cần được tư vấn đầy đủ để phòng ngừa bệnh”, tiến sĩ Phu nói.
Ngành y tế tiếp tục khuyến cáo người dân phòng muỗi đốt như mặc quần áo dài tay, bôi kem xua muỗi, ngủ màn ngay cả ban ngày… Phụ nữ dự định mang thai hay đang có thai không nên tới vùng có dịch. Trong thời kỳ mang thai nếu có triệu chứng mắc virus Zika (sốt, phát ban, đau khớp, đau cơ, đau mắt đỏ…), bà bầu cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, xét nghiệm.
Xem thêm: Cách phòng bệnh do virus Zika
Phương Trang