Home » Mẹ và Bé » Chăm sóc trẻ » Các lỗi chăm con khiến trẻ phát triển sai tư thế

Các lỗi chăm con khiến trẻ phát triển sai tư thế

Quấn con trong tã ngày lẫn đêm, lúc nào cũng đặt con nằm ngửa, cho con dùng xe tập đi… có thể ảnh hưởng đến vận động và tư thế của con sau này.

“Đặt bé 3 tháng tuổi đứng cạnh một cái ghế dài có thể tạo ra những bức hình thật đẹp nhưng điều đó có thể thay đổi kỹ năng vận động và sự phát triển tư thế của trẻ sau này”, chuyên gia phục hồi chức năng Poh Ying Bin thuộc trung tâm Aileron Wellness, Singapore cảnh báo.

Theo ông, trong năm đầu đời, trẻ cần nắm vững các kỹ năng nâng đầu, lăn qua lăn lại, ngồi dậy, bò và đứng, trước khi thực hiện bước đi đầu tiên. Trong giai đoạn quan trọng này, cách xử lý của cha mẹ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ sau này. Đa số cha mẹ thường đặt con vào một vị trí thụ động khiến trẻ không sẵn sàng vận động. Sự vội vàng của cha mẹ khi con chưa sẵn sàng cũng có thể làm hỏng các mốc phát triển của trẻ bởi trẻ không được tạo cơ hội để xây dựng các cơ bắp cần thiết cho việc bò, đi và chạy.

Dưới đây là 5 lỗi chăm trẻ mà nhiều cha mẹ mắc phải, khiến con sau này dễ phát triển vận động sai tư thế:

cac-loi-cham-con-khien-tre-phat-trien-sai-tu-the

Xe tập đi không tốt cho sự phát triển vận động của trẻ – Ảnh: cloudfront.

Quấn trẻ trong khăn, tã cả ngày lẫn đêm

Quấn khăn, tã giúp trẻ đỡ quấy khóc hay đau bụng nhưng cũng hạn chế cử động của bé, làm giảm sự phát triển vận động của trẻ. “Khi trẻ không có cơ hội để vận động, các xương và cơ bắp của trẻ không thể phát triển theo cách giúp chúng có thể vận động tốt sau này”, Poh lý giải.

Bạn có thể sửa đổi bằng cách: Chỉ quấn khăn (tã) khi trẻ ngủ. Đừng ngăn cản trẻ vận động khi bé thức. Bé có thể không có khả năng thực hiện một vận động có mục đích, nhưng điều đó không có nghĩa là thời gian chơi là không có ý nghĩa gì. Hãy cho bé nằm úp để chơi, dùng đồ chơi làm “mồi nhử” để bé vận động

Cho bé ngồi khi bé chưa sẵn sàng

Một đứa trẻ thường bắt đầu tập ngồi nghiêng ngả khi nó 7-8 tháng tuổi. Đặt trẻ ngồi thụ động khi nó chưa đủ cứng cáp có thể khiến trẻ bỏ qua giai đoạn tập ngồi này. “Khi đứa trẻ được cho ngồi sẵn, nó sẽ không cần phải cố gắng để có thể nhấc người dậy khi đang nằm”, Poh lý giải. Hơn nữa, nếu cho trẻ ngồi nhiều, trẻ cũng sẽ gặp khó khăn với các mốc quan trọng khác như bò, đứng và đi.

Bạn có thể sửa đổi bằng cách: Cho trẻ nhiều thời gian chơi trên sàn hơn. Như thế, bé sẽ tự do để nâng đầu, lật, lăn và thực hiện các động tác phối hợp cơ thể cho đến khi bé sẵn sàng tự ngồi dậy.

Cho trẻ tập đi bằng một cái xe tập đi

Điều này gây hại nhiều hơn lợi. Theo bà Ng Shin Huey, chuyên gia vật lý trị liệu cao cấp tại khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Phụ sản và Nhi KK Singapore, các thiết bị có thể làm chậm kỹ năng đi bộ và giữ thăng bằng của trẻ. Nó cũng có thể tạo ra các dáng đi bộ bất thường mà sau này rất khó sửa chữa. Còn Poh bổ sung: “Quan sát trẻ đi bộ khi bé ở trong một chiếc xe tập đi, bạn sẽ thấy chân của bé đang lơ lửng và bé chạm đất bằng các ngón chân của mình. Đây thực sự không phải mô hình lý tưởng cho chuyển động đi bộ. Thậm chí tệ hơn, các xe tập đi có thể gây nguy hiểm khi nó bị lật đổ và gây chấn thương nghiêm trọng.

Bạn có thể sửa đổi bằng cách: Tạo nhiều hỗ trợ xung quanh nhà giúp trẻ học cách tự kéo mình đứng dậy và đi. Điều này thường xảy ra khi trẻ 9-10 tháng tuổi. Trong khoảng vài tuần, trẻ bắt đầu đi bộ bằng cách bám tay vào một món đồ nào đó.

“Bạn không cần phải mua thiết bị lạ mắt. Những thứ bạn cần để giúp bé đứng và đi được có thể dễ dàng tìm thấy trong nhà như một bàn cà phê thấp, ghế sofa”.

Dù xe tập đi bằng cách đẩy tốt hơn xe tập đi truyền thống nhưng đó vẫn không phải là cách tốt nhất để giúp bé tập đi. Để đi được, bé cần đủ sức mạnh cũng như sự phối hợp các bộ phận của cơ thể, giúp bé có thể đứng vững và tự di chuyển trên đôi chân của mình. Bước chuyển động của bé sẽ khác đi khi bé sử dụng xe tập đi dạng đẩy, bởi lúc đó bé phụ thuộc nhiều vào bàn tay.

Luôn cho bé nằm ngửa

Dù Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ khuyên cho trẻ nằm ngửa để giảm nguy cơ của hội chứng trẻ sơ sinh chết đột ngột, bé vẫn cần thời gian nằm sấp để phát triển tốt. Khi nằm sấp, bé có thể củng cố sức mạnh cho cổ và nửa trên cơ thể cũng như kỹ năng phối hợp vận động – những thứ bé rất cần để có thể lật, ngồi, bò, đứng và đi sau này.

Bạn có thể sửa đổi bằng cách: Khi bé được khoảng 6 tuần, bạn có thể cho bé nằm sấp khoảng 5 phút và bạn theo dõi bé sát sao. Đến khi bé 4 tháng tuổi, bé có thể nằm sấp khoảng 20 phút mỗi ngày.

Đặt con lên một tấm nệm mềm để tập bò và tập đi

Một bề mặt mềm sẽ làm thay đổi cách phát triển vận động tự nhiên của trẻ, khiến bé khó di chuyển và khám phá.

Hãy thử điều này: Nếu bạn sợ bé ngã, hãy chọn một tấm thảm mỏng, không trượt để thay thế. Nếu bàn chân bé bị chìm vào trong tấm thảm, có nghĩa là tấm thảm quá mềm với bé.

Nguyên tắc này cũng cần được áp dụng khi lựa chọn giày dép. Đi chân trần là tốt nhất cho việc bò và tập đi bộ. Khi bé ra ngoài, đừng chọn những đôi giày dép có đế cứng và dày, nên chọn những loại có đế mỏng, nhẹ và linh hoạt. Giày dép nên đủ mỏng để bàn chân của bé có thể cảm nhận được mặt đất.

Kim Kim (Theo Asiaone)