Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM cho biết trong số 9 phụ nữ mang thai nhiễm virus Zika, một trường hợp đã sinh con khỏe mạnh, một người lưu thai. 7 thai phụ còn lại vẫn đang theo dõi thai kỳ.
Người nhiễm virus Zika hiện đã lan rộng 16/24 quận huyện của thành phố. Bình Thạnh dẫn đầu với 13 ca bệnh. Tiếp đó là quận 2 (10 ca), quận 9, 12, Tân Phú (6), Hóc Môn, Thủ Đức (3), quận 4, 5, 10, Gò Vấp, Bình Tân (2). Các quận 1, Cần Giờ, Phú Nhuận mỗi nơi một bệnh nhân.
Trong 4 ngày liên tiếp thành phố ghi nhận tổng cộng 24 trường hợp mắc mới. Ngày 17/11 có 8 ca, 18/11 có thêm 6 người bệnh, 19/11 ghi nhận 6 trường hợp mắc và 20/11 là 5 ca. Ngành y tế thành phố đang tăng cường điều tra dịch tễ, phun xịt hóa chất diệt muỗi trên diện rộng, vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, tuyên truyền người dân chung tay phòng dịch.
Nhân viên trung tâm y tế dự phòng tại TP HCM chuẩn bị hóa chất phun diệt muỗi trên cộng đồng. Ảnh: T.D |
Số bệnh nhân Zika được ghi nhận cả nước đến nay là 70. Đăk Lăk và Bình Dương mỗi nơi đều 2 bệnh nhân, còn Khánh Hòa, Phú Yên và Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu mỗi nơi một ca. Một em bé 4 tháng tuổi ở Đăk Lăk là em bé Việt Nam đầu tiên được ghi nhận mắc dị tật đầu nhỏ do mẹ nhiễm virus Zika trong thai kỳ.
Bệnh do virus Zika thường có biểu hiện lâm sàng nhẹ nhưng có thể gây hậu quả trầm trọng nếu nhiễm bệnh trong những tháng đầu thai kỳ vì nguy cơ gây dị tật đầu nhỏ cho thai nhi. Hiện chưa có khuyến cáo hạn chế đi đến những nơi có ca bệnh. Mọi người, đặc biệt là thai phụ cần chủ động phòng tránh muỗi đốt. Sinh hoạt tình dục an toàn, sử dụng bao cao su để tránh lây truyền virus Zika qua đường tình dục.
Người xuất hiện triệu chứng nghi ngờ bệnh có thể đến 30 bệnh viện tại TP HCM và các cơ sở y tế trên cả nước để lấy máu xét nghiệm miễn phí. Dấu hiệu nghi ngờ bệnh là có phát ban và ít nhất hai trong 4 triệu chứng gồm sốt dưới 38 độ, viêm kết mạc hoặc xung huyết kết mạc, đau khớp hoặc phù quanh khớp, đau cơ.
>>> Xem thêm: Thai phụ nên làm gì trong mùa dịch Zika?
Lê Phương