Mùa đông tới, một số bố mẹ sợ con lạnh nên quấn bé thật kỹ với nhiều lớp quần áo trong khi nhiều người lại nghĩ chỉ cần chiếc áo len dày xụ và găng tay là đủ. Mặc cho trẻ thế nào là tốt nhất để chống lại cái lạnh?
Để biết con đã đủ ấm chưa, hãy sờ vào ngón chân và bụng bé.
Trẻ 5 tuổi trở xuống cần giữ nhiệt nhiều hơn bố mẹ vì bé mất nhiệt nhanh hơn. Khả năng điều hòa thân nhiệt của trẻ cũng kém hơn người lớn. Việc mặc cho bé thế nào còn tùy thuộc vào việc trẻ ở trong nhà hay ngoài trời và ở ngoài bao lâu, mức độ gió, độ ẩm, có sương giá, mưa, tuyết… không.
Dưới đây là hướng dẫn cụ thể giúp bạn giữ ấm cho con vào mùa đông, theo từng độ tuổi:
Trẻ từ lúc sinh tới 6 tuần tuổi:
Khi nhiệt độ thấp kết hợp với có gió hay mưa, tốt nhất nên để trẻ ở trong nhà, trừ phi bạn cho bé ở ngoài trời rất ngắn (từ nhà ra ô tô để đi khám bệnh chẳng hạn).
Ở trong nhà, được mặc càng thoải mái khi đi ngủ, bé càng ngủ ngon. Nếu bạn dùng khăn quấn, nên mặc bên trong cho bé quần áo mỏng. Đồ bằng cotton là tốt nhất để mặc cho trẻ đi ngủ vì chúng dễ chịu, mềm và thoáng hơn các loại vải khác. Nếu bạn đưa trẻ mới sinh ra ngoài trời rất lạnh, nên mặc cho bé vài lớp bên trong, chẳng hạn như lớp đồ trong cùng bằng cotton, sau đó tới bộ ngủ lông cừu, sau đó thêm lớp bên ngoài bằng polyester và quấn thêm một chiếc chăn. Địu bé phía trước, bên trong áo khoác của bố mẹ có thể giúp ngăn gió và lạnh nhưng cần đảm bảo sao cho mũi và miệng bé không bị che kín. Khi về nhà, nên cởi từng lớp đồ ra để trẻ không quá nóng.
Nếu ngủ chung với bố mẹ, bé sẽ nhận được thêm hơi ấm từ bạn, vì vậy nên mặc cho con mỏng hơn là khi ngủ riêng. Một bộ khăn quấn có thể là tất cả những gì bé cần. (Nên nhớ rằng gối, ga và chăn đều có thể dễ gây ngạt cho trẻ và không nên để gần bé).
Trẻ 6 tuần đến một tuổi
Ở độ tuổi này, trẻ cần mặc nhiều hơn bố mẹ một lớp quần áo, đặc biệt nếu bé nằm trong xe đẩy và không hoạt động gì. Một bộ đồ liền thân cản gió, chống thấm nước, có mũ là hợp nhất. Nên đội thêm cho bé mũ che kín đầu và tai. Nếu không được che kín, nhiệt cơ thể thoát qua đầu rất nhanh.
Để biết con đã đủ ấm chưa, hãy sờ vào ngón chân và bụng bé. Ngón chân bé hơi mát nhưng không lạnh, bụng bé hơi ấm là ổn. Nếu bụng con cũng mát thì chứng tỏ bé đang phải cố gắng để tự làm ấm cơ thể. Nếu bụng và ngón chân con ấm như nhau, bé đang bị nóng vì mặc quá nhiều.
Trẻ 1-4 tuổi
Bé tuổi này hay thích chạy nhảy, vui chơi ngoài trời nên hãy trang bị cho con một số quần áo có chất liệu cản gió, chống thấm nước. Áo khoác không cần quá dày vì sẽ khiến trẻ khó hoạt động. Các chất liệu mỏng như quallofil hay thinsulate sẽ chống rét tốt. Làm sao để áo kín cổ tay và quần kín mắt cá chân, nên mặc áo cao cổ nhưng không quá khít để trẻ vẫn thoải mái. Có thể thêm một chiếc yếm để che phần ngực cho bé.
Đồ lót chất liệu tốt thậm chí còn cần thiết hơn cả bộ áo quần chống gió cao cấp. Tránh đồ lót bằng cotton cho trẻ vì nó sẽ bị ẩm khi bé chạy nhảy và ra mồ hôi. Nên dùng chất liệu tổng hợp polyester-rayon hay lụa vì chúng nhanh thoát hơi ẩm khỏi da trẻ.
Luôn bảo vệ đầu, tay và chân bé. Một chiếc mũ len che tai, đôi găng tay chống gió và nước, một đôi giày, bốt không thấm nước rất cần thiết cho trẻ. Trẻ tuổi chập chững rõ ràng không giỏi xác định xem tay chân mình có bị lạnh không bởi các bé chỉ mải mê với các việc mình đang làm. Bé thậm chí lạnh cóng mà không nói năng gì. Vì thế, hãy để ý, nếu thấy da con có những mảng trắng bệch thì bé đã bị nhiễm lạnh. Không nên quàng khăn dày, dài cho trẻ vì bé có thể thấy khó chịu hoặc chúng quấn quá chặt vào cổ trẻ. Những chiếc khăn kiểu ống sẽ phù hợp và an toàn hơn.
Ngoài ra, hãy đảm bảo cho trẻ ăn đủ dinh dưỡng và uống nhiều nước trước khi ra ngoài trời. Điều này sẽ giúp cơ thể trẻ chống lại cái lạnh hiệu quả và bé sẽ nhanh trở về nhà hơn vì cần đi tiểu.
Chăm sóc da cho trẻ những ngày khô lạnh
Trẻ dễ bị khô nẻ và chàm trong mùa đông, do các lớp quần áo quá nhiều và cả các thiết bị sưởi ấm trong nhà bạn. Hãy chú ý nếu thấy con:
– Da đỏ mẩn, thường ở những vùng như phía sau tai, cổ gần cằm, hay những nơi hay chạm sát vào quần áo ấm.
– Chàm: Da khô trông như các đốm đỏ, bong chóc.
Nếu con bị các tình trạng này, nên mặc đồ thoáng cho bé, bằng cotton và tránh quấn con quá chặt.
Bạn cũng có thể sắm một chiếc máy tạo độ ẩm. Giữ móng tay trẻ sạch sẽ, cắt ngắn để bé không gãi làm trầy xước khi ngứa, có thể dẫn tới nhiễm trùng.
Ngoài ra, bạn có thể thử một số cách làm dịu da dưới đây cho bé:
– Khi bé bị nẻ: Hòa một thìa muối baking soda trong một cốc nước ấm, thoa lên vùng da nẻ bằng bông gòn hay khăn xô sạch.
– Với bé bị chàm: Sau khi tắm, thấm nhẹ da vùng bằng khăn bông, thoa kem dưỡng ẩm để khóa ẩm và tránh mất nước cho da trẻ.
Vương Linh (Theo Cnn)